Từ hình ảnh phản cảm
Cô bé người Mông chưa đến 10 tuổi, cố gắng buộc lên cổ tay một nữ du khách cái vòng tay vải thổ cẩm rẻ tiền và luôn miệng nói “Cho đấy, cho đấy”, rồi lững thững đi theo chúng tôi đoạn đường trekking gần 7km từ trung tâm Sapa đến bản du lịch cộng đồng Tả Van. Cô bé chỉ là một trong đội quân hàng trăm người bán hàng rong trong trang phục dân tộc, lưng đeo gùi và trên tay luôn cầm sẵn những chiếc dây đeo tay thổ cẩm, hoặc những chiếc vòng giả bạc mà du khách có thể bắt gặp mọi lúc, mọi nơi trên khắp các nẻo đường từ các bản có hoạt động du lịch cộng đồng đến trung tâm thị trấn Sapa. Ngay khi du khách vừa ra khỏi khách sạn thì những người này đã bám theo, và sẵn sàng đi theo du khách cả đoạn đường dài bất chấp du khách tỏ ý không mua, thậm chí là bực tức vì bị mời chào.Đáng buồn hơn, những người bán hàng rong còn lợi dụng lòng tin của du khách chào bán nhiều hàng thổ cẩm và đồ trang sức giả. Thậm chí, nếu du khách chụp ảnh họ, thì họ đi theo và nài nỉ xin bằng được tiền cho từng bức ảnh.
Khung cảnh làng du lịch cộng đồng Tả Van. Ảnh: BL
Một du khách đến từ Hà Nội, chị Bành Hồng Điệp tỏ ra bức xúc: “Ở Sapa dịch vụ du lịch khá tốt, khách sạn sạch sẽ, cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, nhưng cứ bước ra khỏi khách sạn là có gần chục phụ nữ và trẻ em bám theo sau mời chào mua hàng. Không mua họ vẫn bám theo, cứ như ép mua. Nhưng nếu mua của một người thì tất cả những người còn lại đều ùa vào. Sapa là khu du lịch lớn mà không giải quyết được tình trạng này thì sẽ gây tâm lý tiêu cực đối với du khách”.
Hàng rong đeo bám du khách ngay từ sân khách sạn. Ảnh: BL
Đặng Giang, một điều hành viên của Công ty Vietnamtourism - Hanoi chia sẻ: “Hiện tượng những người bán hàng rong bám theo khách du lịch diễn ra ở khắp mọi nơi, gây phản cảm đối với du khách. Khách hàng than phiền rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý du lịch địa phương có những hành động thiết thực nhằm lấy lại vẻ đẹp nguyên sơ và nét hồn nhiên của du lịch Sapa.”
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đang phối hợp với UBND huyện Sapa xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhằm khôi phục môi trường du lịch. Một điều khó khăn mà chính quyền sở tại gặp phải là phần lớn đội quân bán hàng đều là cư dân địa phương, kinh tế rất khó khăn, nguồn thu nhập chính lại là đi bán hàng rong cho du khách.
Thác Tình Yêu. Ảnh: BL
Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần một giải pháp tổng thể, đầu tiên là quy hoạch để tăng diện tích các gian hàng cố định bán đồ lưu niệm trên các điểm du lịch ở Sapa, có giá niêm yết cụ thể, rõ ràng. Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền để người ý thức được việc bán hàng rong, đeo bám khách sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh du lịch của Sapa, và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của chính họ. Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất hàng lưu niệm, thổ cẩm thủ công, qua đó nhằm giữ gìn bản sắc, bảo tồn nghề truyền thống thu hút du khách. Tuy nhiên, tất cả mọi giải pháp cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người dân, dựa trên những điều kiện về văn hóa – xã hội của địa phương.
Minh Duy