Trong lịch sử SEA Games, hầu hết các kỳ đại hội đều không có đầy đủ các bộ môn và nội dung thi đấu tại Olympic. Điều này thường mang đến một số bất đồng bởi chủ nhà thường chỉ muốn tổ chức những môn thế mạnh, cắt đi nhiều bộ huy chương của đối thủ nhằm đảm bảo vị trí nhất toàn đoàn.
Tại SEA Games 27 do Myanmar tổ chức, có đến 30% số môn thi đấu mang tính đặc thù địa phương và khu vực, nhiều môn và nội dung thi đấu Olympic bị cắt bỏ mang đến nhiều bất bình. Mới đây, nước chủ nhà SEA Games 32 là Campuchia cũng đã gạch tên hai môn Olympic là bắn súng và bắn cung. Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đang nỗ lực can thiệp để giải quyết vấn đề này.
Khác với những kỳ đại hội khác, Ban Tổ chức SEA Games 31 cam kết sẽ nỗ lực để tổ chức nhiều môn Olympic, dù đó không phải là môn thế mạnh của Việt Nam, cố gắng duy trì thành tích như SEA Games 30 diễn ra tại Philippines năm 2019.
Việt Nam sẽ tổ chức 40 môn với đầy đủ các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic như bơi lội, bắn súng, bắn cung, xe đạp, quyền anh, thể dục dụng cụ, đấu kiếm... Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Dù có thể khiến đoàn Việt Nam gặp khó khăn nhưng sẽ là dịp để các vận động viên cọ xát, nâng cao trình độ và hướng đến đấu trường lớn như ASIAD, Olympic.
Với tư cách là chủ nhà SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Các môn Olympic được chú trọng, trong đó đặc biệt ở 3 môn được quan tâm nhiều nhất là bóng đá, điền kinh và bơi, thể thao Việt Nam quyết tâm bảo vệ thành công vị trí số một khu vực Đông Nam Á về số lượng huy chương vàng.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ: Trong các kỳ đại hội trước đây, rất nhiều môn Olympic bị nước chủ nhà loại bỏ vì không phải thế mạnh. Nhưng năm nay, chúng ta xác định tổ chức một kỳ SEA Games 31 công bằng nhất, phải tổ chức đầy đủ các môn Olympic. Điều này nhận được nhiều sự ủng hộ.
SEA Games 31 đề cao tính công bằng, thể thao trong sáng khi không bỏ sót nội dung thi đấu. Ông Phấn khẳng định, Việt Nam tổ chức tất cả các nội dung để các quốc gia cùng chơi, không vì là nước chủ nhà mà cố bỏ đi nội dung thế mạnh của các nước khác. Thậm chí, Việt Nam chấp nhận mạo hiểm thành tích vì sự công bằng chung.
Việt Nam sẽ đi đầu chỉ đạo không giành huy chương bằng mọi giá, tức là không sử dụng bất kỳ một kỹ thuật gì ảnh hưởng đến quá trình tổ chức trận đấu, kể cả công tác trọng tài.
Việc đề cao sự công bằng, fair-play trong công tác tổ chức SEA Games 31 là cơ sở để các vận động viên có tâm lý tốt, bước vào thi đấu hướng đến đạt thành tích cao, mang lại niềm vui cho người hâm mộ.
TA