Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến chỉ đạo hướng tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong công tác chuẩn bị và hậu cần của SEA Games 31; khâu chuẩn bị lễ khai mạc, bế mạc; điều phối phương tiện vận tải phục vụ các đoàn thể thao; việc chậm tiến độ của một số hạng mục cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ thi đấu; quy trình phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi đấu, xử lý tình huống vận động viên, huấn luyện viên bị mắc COVID-19…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề đặt ra theo thẩm quyền, nhất là các thủ tục hành chính, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tổ chức chu đáo, thành công SEA Games 31.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục -Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, đến nay, các công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho ngày hội thể thao lớn nhất trong khu vực.
Ban Tổ chức SEA Games 31 đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh; y tế và kiểm tra chất cấm không được sử dụng trong thể thao; phòng, chống dịch COVID-19; hậu cần và dịch vụ công cộng; giao thông; đào tạo tình nguyện viên; chuẩn bị lễ khai mạc và bế mạc…
Ban Tổ chức đã ban hành điều lệ thi đấu, sách hướng dẫn, lịch thi đấu của các môn; tiếp nhận đăng ký của trên 7.800 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên 11 quốc gia; mời gần 1.300 trọng tài, giám sát, quan chức kỹ thuật quốc tế; hơn 2.500 phóng viên báo chí trong và ngoài nước; bố trí 31 khách sạn làm cơ sở lưu trú cho các đoàn thể thao…
Các địa phương đã tích cực chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức SEA Games 31 được giao trên địa bàn bao gồm: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao; vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị; triển khai các hoạt động bảo đảm y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, hậu cần, giao thông…
Đáng chú ý, một số nội dung liên quan đến tổ chức Đại hội được thực hiện bằng phương thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước như: Xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin phục vụ đăng lý và quản lý đại hội, tổ chức thi đấu các môn E-Sports, Bowling, 3 môn phối hợp, Billiard và Snooker…
Từ nay đến khi khai mạc Đại hội, Ban Tổ chức sẽ tổng rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị tại các địa phương, đơn vị; tổ chức lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam; đào tạo, phân bổ các tình nguyện viên; triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự.
SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12-23/5, gồm 40 môn với 526 nội dung, chủ yếu là các môn nằm trong chương trình thi đấu của Thế vận hội và Đại hội thể thao châu Á. Các môn thi đấu được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố khác gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và nội dung thi đấu 18 môn, tại 15 địa điểm.
Với mong muốn SEA Games 31 sẽ trở thành ngày hội lớn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan của Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng như điều kiện thi đấu và sinh hoạt tốt nhất cho vận động viên, huấn luyện viên, tổ chức Đại hội thành công, an toàn, chuyên nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
SEA Games 31 cũng là dịp để khẳng định, nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trong khu vực, giới thiệu nét văn minh, thanh lịch, hào hoa của Hà Nội - Thủ đô anh hùng, mảnh đất ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, đưa hình ảnh Việt Nam nói chung đến gần hơn với bạn bè, đối tác quốc tế.
PV