Xuân về, những cánh rừng bạt ngàn xanh theo nhiều sắc độ, đôi chỗ đỏ rực hoa đào rừng, trắng tinh hoa mận. Những thửa ruộng bậc thang lượn vòng duyên dáng, gối vào nhau, chồng lên nhau tạo thành bức tranh lạ mắt. Thửa màu nâu, thửa màu xanh, thửa loang loáng nước.
Tám tiếng đồng hồ vật vã trên xe chợt tan hết mệt nhọc khi Sapa hiện ra trong tầm mắt. Thật không ngờ Sapa đẹp đến thế, đông đúc đến thế. Trong rực rỡ nắng chiều, thị trấn hiện ra sầm uất với những con phố nườm nượp khách du lịch; các cửa hàng thổ cẩm và đặc sản địa phương; các nhà hàng, khách sạn sang trọng..., cái cheo leo trên lưng núi, cái ẩn mình sau rừng thông, mỗi công trình mang phong cách thiết kế riêng. Nhà thờ Đá cổ kính đứng trầm mặc trước quảng trường, thong thả buông từng tiếng chuông báo buổi lễ chiều.
Và trên phố, trong chợ, trên các dốc núi thấp thoáng những bộ áo váy sặc sỡ đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Người Dao đỏ chân quấn xà cạp, khăn đỏ vấn cao nửa thước trên đầu. Người Mông váy xòe, người Giáy áo chàm... Ngoài một vài phụ nữ địu con nhỏ, hầu như ai cũng mang trên lưng một cái gùi trong đựng linh tinh các thứ sản vật của rừng mà họ kiếm được. Người dân tộc ở đây có vẻ không cởi mở, ít cười, da đen đúa, tay chân khô nẻ. Họ mời khách du lịch mua những vòng bạc, đồ thêu, khăn áo, củ quả, lá thuốc... Những cái vòng bạc to, sáng loáng họ bán chỉ có giá vài trăm nghìn, nhưng khi tôi đòi mua đôi hoa tai bạc xỉn màu họ đang đeo, ai cũng lắc đầu. Chỉ duy nhất bà cụ tôi gặp ở chỗ hòn đá cổ đồng ý bán với giá 15 triệu đồng!
Người dân tộc và trang phục dân tộc đã làm nên nét riêng đặc sắc, khiến cho Sapa khác với các thành phố du lịch như Đà Lạt, Hội An, Tam Đảo...
Đã 10 giờ đêm, các cửa hàng đóng cửa hết. Chỉ còn tiếng nhạc của các quán bar và những chuỗi đèn màu ẩn hiện trong sương. Khu chợ sầm uất khi chiều giờ tối đen, bí hiểm. Bấy giờ, những quán nướng mới dọn ra. Những món nướng của Sapa đã được du khách truyền tụng và ca ngợi. Trong không khí khô lạnh, mùi khoai nướng, trứng nướng, ngô nướng, chim nướng, thịt heo xiên nướng... thật hấp dẫn. Nhiều bạn trẻ cũng là khách du lịch quây quần bên bếp. Thì ra, chẳng ai nỡ ngủ khi đêm Sapa huyền ảo đến thế! Dõi vào màn sương, tôi lắng tìm tiếng khèn gọi bạn tình, chỉ nghe tiếng lá trúc khua lào xào, xao xuyến.
Tinh mơ, tôi vén lên tất cả những tấm rèm cửa sổ. Một biển sương trắng đục tựa như ai đang phơi lụa trắng khắp đất trời. Những tấm lụa - sương ấy dập dờn theo gió, cứ mỏng dần, mỏng dần rồi đột ngột bị xé rách bởi những tia nắng mặt trời. Đỉnh Fansipan cao 3143m choàng tấm chăn mây hiện ra, lừng lững và cao ngạo, thách thức những người ưa mạo hiểm.
Sapa còn lôi cuốn du khách với thác Bạc, cầu Mây, cổng Trời, thác Tình Yêu, suối Vàng, bãi đá cổ... Nghe đâu, dự án đắp đập làm thủy điện do tỉnh phê duyệt sẽ làm những bãi đá cổ này chìm nghỉm mãi mãi trong nước. Hy vọng, đó chỉ là tin đồn kẻo nhân loại tha hồ tiếc nuối.
Thác Bạc đây rồi. Từ trên núi cao len lỏi chảy xuống một dòng nước. Nếu không có tấm biển, chắc người đi qua không nhận ra đó là một trong những địa danh du lịch của Sapa. Nhận thấy vẻ thất vọng của tôi, người dẫn đường an ủi: “Đang mùa xuân, ít mưa. Bao giờ nước về, thác Bạc lại tung bọt trắng xóa”. Đi tiếp lên đỉnh Ô Quy Hồ, gió rất lộng, bốn hướng lô nhô, điệp trùng là núi. Nắng chói chang nhưng vẫn lạnh. Ghé vào một quán nướng, nhắp chút rượu ngô, nếm thử vài con chim nướng thơm phức rồi lại lên đường…
Buổi chiều cuối cùng chúng tôi ở Sapa, thời tiết chuyển mùa. Chẳng biết do mưa từ trên trời buông xuống hay sương từ thung núi dâng lên mà Sapa đang nắng bỗng dưng mù mịt. Rất nhanh, cả thành phố chìm trong màn sương trắng đục, cách vài mét đã không trông thấy gì. Du khách vội vã trú vào các quán cà phê ấm áp. Chỗ vòng xuyến trên quảng trường, bọn trẻ bán hàng rong người thiểu số nắm tay nhau quay vòng, đùa giỡn trong mưa.
* *
*
Nhạc sĩ Lê Trọng Hùng, người đã sáng tác nhiều bài hát hay về Sapa, yêu Sapa như yêu quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, buồn buồn chỉ những con dốc rất đẹp: “Lẽ ra những con đường này chỉ được lát bằng đá tảng, thứ vật liệu rất sẵn ở đây. Trải nhựa đường, họ đã làm hỏng Sapa”. Cũng như vậy, (ông khoát tay chỉ rừng trúc tốt bời bời, lao xao trong gió): “Lẽ ra Sapa phải trồng thông mới hài hòa. Thông mọc chậm, vốn đầu tư nhiều. Dân muốn giữ đất, họ trồng trúc cho nhanh”.
Chia tay Sapa với rất nhiều bịn rịn, lại lắc lư trên xe như say, lại miên man với rừng và núi…
Chử Thu Hằng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)