Ở Việt Nam, Trần Mạnh Tuấn là một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và được đông đảo công chúng yêu mến. Suốt đời mình, anh chỉ gắn bó với cây kèn saxophone, như một người tình, một người tri kỷ. Những chuyến lưu diễn trên khắp thế giới đã tạo điều kiện cho anh có được một bộ sưu tập kèn lớn gồm 40 cây được sản xuất ở nhiều thời kỳ khác nhau, tại nhiều nước khác nhau. |
Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc này là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy rõ trong kiểu cách chơi nhạc của những nghệ sĩ Jazz người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20. Vào những năm 60, Jazz đã du nhập đến Việt Nam bởi những dàn kèn đồng của quân đội Mỹ. Và Sài Gòn là nơi đầu tiên tiếp nhận loại hình âm nhạc này, cứ thế phát triển đến ngày hôm nay với những nghệ sĩ chơi nhạc Jazz ở Sài Gòn.
Jazz & Art Club tọa lạc tại trung thành phố - số 28 Lê Lợi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh là một không gian lãng mạn, thiết kế ấn tượng. Với nghệ thuật sắp đặt nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng của nghệ sĩ tài ba Trần Mạnh Tuấn, Jazz & Art Club đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn thưởng thức nhạc Jazz ở Sài Gòn.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn (giữa) cùng biểu diễn Jazz tại Jazz & Art Club
Hàng đêm, Jazz & Art Club như rực sáng với những bữa tiệc âm nhạc, sự đồng điệu trong cảm xúc giữa người nghe và người nghệ sĩ đã tạo nên một chốn nhớ khi tình cảm của con người và nghệ thuật hòa quyện cùng nhau.
Trần Mạnh Tuấn thừa nhận, anh chỉ thấy mình quyến rũ và quên đi mọi rắc rối trên đời khi sống trong âm nhạc. Tiếng kèn của anh chính là tiếng lòng của một người thiết tha với cuộc đời. Anh không cho phép mình lãng phí thời gian, vì thời gian là quý giá mà đời người thì hữu hạn. Trần Mạnh Tuấn quan niệm mỗi giây phút phải sống như thể đó là giây phút cuối cùng, như thể ngày mai mình không còn nhìn thấy mặt trời rực rỡ, không thể nhìn thấy gương mặt của những người thân yêu, và những thanh âm cuộc đời. Như câu hát mà người nhạc sĩ họ Trịnh đã viết: “Cuộc đời đó có bao lâu, mà hững hờ…”.
Bài & ảnh: Nguyễn Chương