Tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng
Sa Pa là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa đã có 4 tuyến du lịch cộng đồng đang được khai thác hiệu quả phục vụ khách du lịch. Trước thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã đã thu hút nhiều du khách ghé thăm và trải nghiệm. Năm 2019, các điểm du lịch cộng đồng Sa Pa đón gần 300 nghìn lượt khách, doanh thu từ phí tham quan du lịch cộng đồng đạt gần 16 tỷ đồng. Sa Pa hiện có 230 cơ sở lưu trú homestay trong đó xã Tả Van có 83 cơ sở, xã Bản Hồ có 31 cơ sở, xã Tả Phìn có 34 cơ sở...
Cùng với sự phát triển du lịch cộng đồng, nhiều món ẩm thực địa phương cũng được giới thiệu tới du khách và trở thành thực đơn tại các nhà hàng như: lạp xưởng, thịt sấy, lợn quay, cá nướng, khâu nhục, các loại xôi, bánh… Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống trở thành sự kiện thu hút sự tham gia của du khách như: Lễ hội xuống đồng (dân tộc Tày, Giáy), Hội hát giao duyên (dân tộc Dao), Hội Gầu Tào và Lễ Cúng rừng (dân tộc Mông), Hội Hoa Chuối, Hội Quét làng (dân tộc Xa Phó)... Để quảng bá cho các giá trị văn hóa bản địa, trong năm 2021 UBND thị xã Sa Pa đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội năm mùa thị xã Sa Pa, ngoài 4 mùa trong năm Xuân - Hạ - Thu - Đông còn tổ chức thêm Lễ hội Mùa Tình yêu với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, trở thành thương hiệu riêng có của Sa Pa.
Sa Pa đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch cộng đồng sẽ trở thành sản phẩm hấp dẫn, khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đạt tiêu chuẩn châu Á (tiêu chuẩn ASEAN) và trở thành mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng, tiêu biểu, hoạt động hiệu quả
Đẩy mạnh xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN
Giai đoạn 2021 - 2025, Sa Pa đẩy mạnh xây dựng 5 mô hình du lịch tiêu biểu đại diện cho 5 dân tộc thiểu số tại Sa Pa đạt tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN gồm: thôn Tả Van Giáy I và II (xã Tả Van) đại diện cho văn hóa dân tộc Giáy; thôn Hòa Sử Pán I (xã Mường Hoa) đại diện cho văn hóa dân tộc Mông; thôn Sả Xéng (đội 4 xã Tả Phìn) đại diện cho văn hóa dân tộc Dao; thôn La Ve - Bản Dền (xã Bản Hồ) đại diện cho văn hóa dân tộc Tày; thôn Nậm Sài (xã Liên Minh) đại diện cho văn hóa dân tộc Xa Phó. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023 Du lịch Sa Pa tập trung triển khai tại 3 xã Tả Van, Tả Phìn và Mường Hoa, giai đoạn 2023 - 2025 triển khai thực hiện tại xã Bản Hồ và Liên Minh.
Về quản lý nhà nước, Sa Pa đẩy mạnh kiện toàn và thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng, thành lập HTX du lịch cộng đồng tại điểm du lịch nhằm rà soát, sưu tầm các hiện vật trưng bày mang bản sắc văn hóa các dân tộc đại diện trên từng địa bàn; mở các lớp đào tạo, cấp phép, bồi dưỡng kỹ năng cho nguồn nhân lực quản lý Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng.
Về dịch vụ tham quan, Sa Pa tập trung xây dựng nội quy của điểm du lịch cộng đồng trong đó quy định các quy tắc ứng xử giữa cộng đồng, hộ kinh doanh và du khách; đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch và các điểm dừng chân ngắm cảnh phục vụ khách du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương; thiết kế các chương trình tham quan trong khu vực kết nối với các điểm du lịch lân cận; xây dựng bản thuyết minh hướng dẫn tham quan…
Về dịch vụ ăn uống, tập trung tổng hợp các sản phẩm, thực phẩm sẵn có của địa phương, đánh giá sản lượng và hỗ trợ sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng để cung cấp cho c��c nhà hàng trong khu vực; sưu tầm các món ăn và đồ uống truyền thống, đặc sắc để đưa vào thực đơn phục vụ khách du lịch; xây dựng các chương trình trải nghiệm tại nhà hàng cho du khách như biên soạn các bài viết giới thiệu về cách thức chế biến và thực hiện nấu, pha chế các món ăn, đồ uống truyền thống của địa phương, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để khách được trực tiếp trải nghiệm làm bánh, nướng cá, nướng gà… Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, chuẩn hóa nhân viên nấu ăn; khuyến khích có đồng phục mô phỏng trang phục truyền thống các dân tộc địa phương.
Về dịch vụ lưu trú, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chuẩn hóa các tiêu chuẩn theo TCVN 7800:2017; xây dựng sổ tay homestay cung cấp kiến thức về văn hóa, môi trường và du lịch bền vững; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh homestay.
Về dịch vụ vui chơi giải trí, đầu tư xây dựng các không gian văn hóa, các điểm vui chơi giải trí gắn với đặc trưng văn hóa của địa phương; xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống tái hiện lịch sử văn hóa của 5 cộng đồng dân tộc thiểu số; xây dựng 5 đội văn nghệ tại 5 điểm du lịch cộng đồng; tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống tại các xã nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho giới trẻ và quảng bá văn hóa tới du khách…
Về dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương, thắt chặt quản lý thị trường, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh chỉ kinh doanh mặt hàng do chính người sống tại Sa Pa sản xuất; chú trọng bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống, chế tác sản xuất thành quà tặng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Về phát triển nguồn nhân lực cho nghề truyền thống, thống kê, tổng hợp các nghệ nhân, thợ lành nghề truyền thống của 5 dân tộc đại diện cho 5 xã, từng bước hỗ trợ xây dựng đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề (thợ cả) để tạo đầu mối thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ và kết hợp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhằm khơi gợi đam mê và lưu giữ nghề truyền thống của các dân tộc.
Về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm truyền thống của từng xã; phát triển hệ thống cửa hàng tại các điểm chuyên bán các sản phẩm thổ cẩm chính hiệu; xúc tiến quảng bá, giới thiệu và bày bán các sản phẩm truyền thống chính hiệu, tinh xảo và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh, an ninh, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, nhất là cho các hộ dân kinh doanh homestay vừa và nhỏ; nghiên cứu trồng bổ sung cây xanh và hoa tạo cảnh quan tại các điểm du lịch cộng đồng theo hướng mỗi điểm du lịch một loại hoa và cây đặc trưng để tạo điểm nhấn.
Giai đoạn 2021 - 2025, Du lịch Sa Pa tập trung xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số tại các xã Tả Phìn, Mường Hoa, Tả Van, Bản Hồ và Liên Minh theo Kế hoạch số 351/ KH-UBND được UBND thị xã Sa Pa ban hành ngày 25/10/2021; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án số 03 “Phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế giai đoạn 2020 - 2025”. |
Hoa Trang
(Tạp chí Du lịch tháng 5.2022)