Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan hoạt động đào tạo du lịch; các yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến hoạt động đào tạo du lịch. Hội thảo đồng thời tập trung làm rõ những vấn đề về liên kết đào tạo du lịch các cấp trình độ trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, quốc tế hoá và tác động đa chiều của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, doanh nghiệp… cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề đang đặt ra cho các cơ sở đào tạo du lịch trong bối cảnh bình thường mới; từ đó đề xuất các giải pháp để duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo du lịch, đáp ứng thị trường việc làm và nhu cầu xã hội để du lịch hồi phục nhanh và bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi nhận định, đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế - xã hội toàn cầu cũng như Việt Nam những thiệt hại vô cùng to lớn. Bối cảnh mới đang đặt ra cho toàn xã hội cũng như các cơ sở đào tạo, trong đó đào tạo du lịch những thách thức cũng như các cơ hội. PGS.TS. Nguyễn Cảnh Thái nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học, đặc biệt là các hoạt động thực hành, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp cũng như việc làm của sinh viên, học sinh tốt nghiệp. Để đảm bảo việc dạy và học đạt kết quả tốt, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhân lực của ngành Du lịch, cần thực hiện một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó một giải pháp có ý nghĩa quan trọng là liên kết đào tạo du lịch”.
Hội thảo đã nghe 8 phát biểu tham luận, tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo trong bối cảnh quốc tế hoá và toàn cầu hoá; tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động đào tạo du lịch và các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả; cơ hội, thách thức của đào tạo du lịch trong bối cảnh Cách mạng 4.0; định hướng, giải pháp đẩy mạnh liên kết đào tạo du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, phụ trách môn Quản trị Du lịch ĐH Thủy Lợi - PGS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, cần phải thực hiện giải pháp liên kết đào tạo; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, hướng đến tăng cường năng lực nghề nghiệp cho lực lượng lao động du lịch. Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương chia sẻ về mục tiêu chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2030 là tạo ra 3 triệu việc làm du lịch trực tiếp và nhấn mạnh đây là một nhu cầu rất lớn đối với lực lượng lao động du lịch những năm tới. Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương đồng thời đề xuất việc đưa ra chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc sau đại dịch; đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nhân lực chất lượng cao thích ứng chuyển đổi số; rà soát, phát triển đào tạo theo xu hướng thị trường; nâng cao năng lực cơ sở đào tạo. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang kiến nghị tăng cường chất lượng đào tạo đại học, chú trọng đào tạo nghề; liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, nhu cầu lao động ngành Du lịch hiện nay rất cần lao động nghề nghiệp. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi, làm rõ thêm vấn để chính sách quản lý của nhà nước đối với lao động du lịch; ứng dụng công nghệ trong đào tạo du lịch; thái độ của lao động quyết định đến độ hài lòng của du khách; ngoại ngữ giúp nâng cao cơ hội việc làm cho lao động du lịch…
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, tham luận của các diễn giả tập trung vào 3 chủ đề lớn: đào tạo du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; toàn cầu hóa, hội nhập; cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo đã làm rõ được vai trò, lợi ích, trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Trong mối liên kết, vị trí trung tâm là người học, người lao động đặt ra yêu cầu cho các bên phải thể hiện vai trò, trách nhiệm, cũng như sự chia sẻ lợi ích trong liên kết. Thể hiện ở nội dung liên kết, yêu cầu đổi mới thể chế trong liên kết, phương thức liên kết, ứng dụng công nghệ trong liên kết”.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng các tham luận đã chỉ rõ sự thiếu, yếu của nhân lực du lịch Việt Nam. Yêu cầu mới đối với nhân lực du lịch đòi hỏi cơ sở đào tạo phải thích ứng với tình hình thay đổi, xu hướng du lịch mới sau dịch, công nghệ, hội nhập… để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Trong du lịch, yếu tố con người đóng vai trò quyết định đến chất lượng; đòi hỏi hoạt động đào tạo du lịch tạo nên người lao động có những kỹ năng, kiến thức, thái độ đáp ứng yêu cầu đó.
“Giải pháp đặt ra là liên kết đào tạo, đòi hỏi đổi mới thể chế để việc thực hiện được thuận lợi, hiệu quả, thiết thực: đổi mới trong đào tạo, tuyển dụng lao động. Đổi mới đào tạo tập trung vào kỹ năng nghề đào tạo và tiêu chuẩn kỹ năng nghề đào tạo; quy trình, chương trình, giảng viên, năng lực của cơ sở đào tạo. Đặc biệt là việc công nhận tiêu chuẩn kỹ năng để việc vận hành thị trường lao động có kết quả tích cực. Thị trường lao động quyết định cách ứng xử của các bên liên quan trong đào tạo, sử dụng lao động. Ứng dụng công nghệ trong đào tạo làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo khi bối cảnh dịch COVID-19 gây nên những khó khăn trong quá trình thực hành” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ thêm.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ĐH Thủy lợi đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Du lịch Hà Nội, Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban quản lý Di tích Văn miếu – Quốc tử giám, Hội Lữ hành Hà Nội, Khác sạn Intercontinental, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Thanh Hoàng