Đặc trưng ẩm thực Quảng Ninh
Với điều kiện tự nhiên đa dạng, Quảng Ninh sở hữu các món ẩm thực trên rừng, dưới biển rất phong phú. Cùng với đó, lối sống hòa hợp với tự nhiên của người dân Quảng Ninh đã tạo nên nét đặc trưng mang đậm bản sắc.
Những người dân có cuộc sống gắn liền với biển thì phần lớn các món ăn được chế biến từ hải sản. Hải sản của Quảng Ninh ở mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau. Ví dụ ở Quan Lạn, sá sùng chủ yếu được phơi khô trước khi chế biến, nhưng đến Móng Cái, ai cũng biết đến món sá sùng tươi tẩm bột chiên xù. Nói đến mực khô, người ta nghĩ ngay đến mực đảo Quan Lạn, Cô Tô, nhưng đến Hạ Long nhất định phải thưởng thức xôi chả mực.
Đồng bào các huyện miền núi (Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên) thì tạo nên các món ăn từ sản vật của núi rừng như cá suối cuốn lá lốt, ốc khe nấu bỗng; hay những món ăn khai thác từ rừng như chả lá lốt trứng kiến, trứng kiến xào ăn cùng xôi, canh rau ngót rừng của người dân tộc Tày, Sán Chỉ… Không chỉ có món ăn, Quảng Ninh còn nổi tiếng với nhiều loại rượu ngâm từ củ quả bổ dưỡng như rượu ba kích tím, rượu sim, rượu mơ… làm du khách ngất ngây.
Quảng Ninh còn có nhiều món ăn được chế biến từ ngũ cốc, đặc biệt là các món bánh của người dân tộc như bánh gio Quảng Yên; bánh lá ngải của Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái; bánh tài lồng ệp của người Sán Dìu; bánh giầy, bánh chưng gù dân tộc Tày, Sán Chỉ…
Xây dựng thương hiệu ẩm thực Quảng Ninh
Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh là địa phương đi đầu toàn quốc trong xây dựng và triển khai Đề án OCOP (One Commune, One Product - Mỗi xã, phường một sản phẩm). Đến nay, nhiều sản phẩm của Quảng Ninh được khách du lịch yêu thích mua sắm như rượu nếp cái hoa vàng Đông Triều, sản phẩm từ thịt lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ… Sở Du lịch Quảng Ninh cũng không ngừng triển khai các sự kiện khai thác giá trị ẩm thực như Hội chợ ẩm thực Quảng Ninh, Tuần văn hóa ẩm thực, Cuộc thi đầu bếp giỏi… nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch.
Tuy đã đạt được một số thành công ban đầu nhưng thương hiệu ẩm thực Quảng Ninh vẫn chưa thực sự phát huy được giá trị. Hầu hết các món ăn, đặc biệt là món ăn hải sản chủ yếu được chế biến theo phương pháp đơn giản như hấp, luộc, nướng nguyên bản… Do đó chưa được du khách đánh giá cao về sự tinh tế trong chế biến. Đến nay, Quảng Ninh chưa có các trung tâm chuyên biệt dành cho du khách trải nghiệm ẩm thực, đặc sản, học thêm kiến thức chế biến, kỹ năng nấu các món ăn ngon… từ nguyên liệu địa phương. Một số món ăn chế biến sẵn làm quà như chả mực Hạ Long, ruốc tép… được bày bán tại các khu chợ Hạ Long 1, Hạ Long 2. Những cửa hàng này thường chế biến mực giã tay, chiên rán ngay gần các quầy bán thịt sống, hải sản sống khiến cho du khách có cảm giác không sạch sẽ, thiếu an toàn thực phẩm. Mặt khác, một số món ăn được chế biến ngon nhưng còn thiếu tinh tế trong phục vụ. Ví dụ như một tô bún hải sản đựng trong một bộ bát gốm màu sắc đẹp mắt và được du khách thưởng thức trong một không gian nhà hàng sang trọng, sạch sẽ, thoáng mát, có tầm nhìn hướng biển sẽ nâng tầm giá trị của tô bún đó bởi du khách không chỉ quan tâm tới chất lượng món ăn mà còn cần cả tính sang trọng, chuyên nghiệp khi đi du lịch…
Việt Nam đã có một số món ăn như phở, gỏi cuốn nằm trong top 50 món ăn ngon nhất thế giới. Sở hữu nhiều món ngon, Quảng Ninh cũng có thể học hỏi kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu ẩm thực của mình. Trước hết, Quảng Ninh lựa chọn, định vị một số món ăn tiêu biểu, có sức hấp dẫn lớn để giới thiệu quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế. Tại đây, việc trình bày, giới thiệu câu chuyện về món ăn cần được chuẩn bị công phu, do các chuyên gia ẩm thực thực hiện.
Hình thức món ăn là yếu tố đầu tiên ghi dấu ấn trong tâm trí khách du lịch. Món ăn ngon nhưng thiếu vẻ đẹp khó tạo ấn tượng trong lòng du khách bởi nhu cầu của du khách ngày nay không còn là ăn no mà chuyển dần sang ăn ngon. Ngày càng nhiều du khách thích chụp ảnh lưu giữ trải nghiệm ẩm thực tại điểm đến. Đây cũng chính là cơ hội để ẩm thực Quảng Ninh được quảng bá rộng rãi. Do đó, mỗi nhà hàng, quán ăn cần trau chuốt về hình ảnh, đầu tư không gian, màu sắc nhà hàng để mỗi tấm hình của du khách với món ăn, đồ uống thêm sinh động, hấp dẫn, đó cũng là cách quảng cáo hiệu quả cho nhà hàng.
Sở Du lịch Quảng Ninh tổ chức nghiên cứu khai thác ẩm thực Quảng Ninh trở thành một yếu tố hấp dẫn du khách; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh và Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá về ẩm thực với các hình thức đa dạng và ấn tượng hơn; xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ như một thư viện ẩm thực cho món ăn Quảng Ninh; phát hành những cuốn cẩm nang ẩm thực Quảng Ninh bằng nhiều ngôn ngữ, hình thức đẹp mắt, dễ xem dễ mang theo để phát miễn phí cho du khách; tổ chức các sự kiện ẩm thực nhằm giúp các đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực của Quảng Ninh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tôn vinh, khơi gợi niềm tự hào về ẩm thực quê hương trong mỗi đầu bếp, nghệ nhân.
Đối với các địa phương miền núi của Quảng Ninh cần tổ chức các lớp học nghề miễn phí cho lao động nông thôn để người dân có cơ hội học chế biến món ăn chuyên nghiệp, tinh tế; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương pháp chế biến món ăn và nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
Tại các khu chợ, các hàng bán món ăn sẵn như chả mực, ruốc tép… cần được ưu tiên sắp xếp địa điểm sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo nguồn nước sạch, trang thiết bị sạch. Hình ảnh của người chế biến, bán hàng của những nơi này cũng cần chỉnh chu, chuyên nghiệp hơn…
Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm du lịch ẩm thực Quảng Ninh không chỉ cần nỗ lực của các cấp chính quyền, mà đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, người dân tham gia kinh doanh có những cách làm, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị ẩm thực địa phương một cách tốt hơn nữa. Thương hiệu của ẩm thực Quảng Ninh sẽ được nâng cao từ chính sự đánh giá khách quan của khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với Quảng Ninh.
Tài liệu tham khảo:
1. Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực Quảng Ninh trong du lịch, Báo điện tử Quảng Ninh 19/10/2021
2. ThS. Bùi Xuân Thắng, TS. Trần Văn Hùng. Gợi mở một số giải pháp phát triển du lịch ẩm thực, Tạp chí Du lịch Việt Nam tháng 3/2021.
3. Phan Thị Bích Thảo, Xây dựng thực đơn trong nhà hàng du lịch, Tạp chí Du lịch tháng 3/2017
ThS. Lê Minh Thủy
(Tạp chí Du lịch số tháng 5/2022)