(VTR) - Đô thị - thương cảng Hội An là kết quả của hơn 2.000 năm lịch sử khai phá, điểm gặp gỡ giao lưu giữa các nền văn hóa Champa, Việt, Hoa, Nhật, Ấn, Đông Nam Á và phương Tây… Bên cạnh giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, đây còn là nơi tập trung mật độ di tích dày đặc với hơn 1.360 di tích các loại, chủ yếu là di tích kiến trúc nghệ thuật”. Khác biệt không gian phố cổ, cù lao Chàm là một quần đảo gồm 8 đảo khác nhau, với khoảng 3000 dân. Đảo có môi trường không khí trong lành, các làng chài với những bãi biển còn hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng với khoảng 188 loài san hô, 66 loài thân mềm, 77 loài tảo, thảm cỏ biển, 4 loài tôm hùm, 200 loài cá rạn san hô. Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển cù lao Chàm có mối quan hệ mật thiết về địa giới hành chính, lịch sử và du lịch. Kể từ khi được UNESCO công nhận năm 2009, cù lao Chàm đóng vai trò như một vệ tinh đẹp của du lịch Hội An, mở rộng không gian du lịch ra phía biển.
Di tích Mỹ Sơn
Trong những năm qua, công tác quản lý di sản ở Hội An và cù lao Chàm thành công là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức quốc tế. Công tác phát huy giá trị di sản luôn song hành, tạo nguồn lực và động lực cho nhiệm vụ bảo tồn.
Với Đô thị cổ Hội An, chính quyền địa phương đã tích cực khởi đầu, tạo nên những tiền đề vững chắc có sức ảnh hưởng và thu hút cộng đồng dân cư. Ngay sau khi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1985, UBND TP. Hội An đã được chỉ thị xây dựng ngay “Quy chế bảo tồn di tích Khu phố cổ Hội An” và tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Hội An tháng 7/1985. Tiếp theo là sự ra đời của Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An vào tháng 2/1986, cơ quan đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về Hội An có hiệu quả trong điều kiện tài chính còn eo hẹp. Ngay từ lúc bắt đầu, cán bộ ngành Văn hóa Hội An đã biết dựa vào sức dân, biết huy động nguồn lực của người dân Hội An xa quê đóng góp cho công tác bảo tồn ở quê nhà. Khi Hội An được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999, khách du lịch đến ngày một nhiều hơn, nhân dân tự hào và càng thấy được cái lợi do du lịch mang lại và tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý di sản ở địa phương. Con đường của Hội An bắt đầu đi từ chính quyền đến nhân dân và từ nhân dân tác động đến bộ máy quản lý.
Khác với Hội An, thành công bước đầu của Khu dự trữ sinh quyển cù lao Chàm đến từ mô hình đồng quản lý với sự chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi giữa chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư. Các hoạt động bảo tồn tại cù lao Chàm bao gồm: quy hoạch phân vùng và xây dựng quy chế quản lý, cải thiện sinh kế, xây dựng kế hoạch quản lý, xác định cơ chế bền vững, quản lý rác thải, quản lý mâu thuẫn lợi ích. Trong tất cả các hoạt động đều có sự tham gia thảo luận của cộng đồng để hình thành một quy chế được đồng thuận như một hương ước và người dân nghiêm chỉnh chấp hành. Thành phần chủ chốt tham gia tất cả các khâu là cộng đồng dân cư và khối doanh nghiệp, sản xuất tại địa phương, tiếp đến là vai trò của UBND cấp xã và các đoàn thể, sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ bên ngoài, chính quyền cấp tỉnh và thành phố chỉ đóng vai trò chỉ đạo. Tuy nhiên, giai đoạn quy hoạch phân vùng và quy chế phải có sự tham gia của tất cả các bên. Một điều đáng lưu ý là trước khi để người dân cùng thảo luận, Ban Quản lý cù lao Chàm đã nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình tham quan, tập huấn, hội thảo khoa học với 3.929 lượt người/3.000 dân trên đảo tham gia. Ngoài ra, phải kể đến vai trò cầu nối của đội ngũ cán bộ cộng đồng, họ trực tiếp trò chuyện với những người dân có uy tín trên đảo để thăm dò ý kiến trước các buổi thảo luận chính thức. Công tác bảo tồn ở cù lao Chàm có tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân nên bài học chính là sự song hành của cộng đồng dân cư và chính quyền trên suốt chặng đường.
Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam