“Quyết liệt hành động, nỗ lực cống hiến”: thông điệp – kỳ vọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, các lĩnh vực của Bộ đều liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần của nhân dân, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, vì thế cần phải chọn trọng tâm, trọng điểm, làm theo tinh thần từ dễ đến khó, vận động mọi người, mọi cấp cùng làm để từ đó lan toả tinh thần, giá trị tốt đẹp của văn hoá đến toàn xã hội, tạo nên những phong trào tốt, những việc làm hay, góp phần khắc phục, hạn chế tệ nạn, những hành vi xấu trong cộng đồng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tìm ra được những “điểm nghẽn” trong những công việc được giao quản lý để tháo gỡ, khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp cụ thể. Với lĩnh vực Văn hoá, việc xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá được xem là gốc cho sự phát triển của cả các lĩnh vực khác như Du lịch và Thể thao.
Tuy nhiên việc xây dựng Chiến lược văn hoá cũng không nên đưa ra những việc hàn lâm, khó thực hiện mà phải mang tính khả thi, chọn việc, chọn điểm để thực hiện. Chẳng hạn như việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh hay việc số hoá ngành Văn hoá, hoặc phối hợp với các bộ, ngành khác để phát triển các thiết chế Văn hoá phục vụ nhân dân, hạn chế tình trạng cả khu công nghiệp, có tới hàng trăm công nhân mà không có nổi một thiết chế Văn hoá phục vụ đời sống tinh thần của người lao động.
Đối với lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 khiến điểm yếu của ngành bộc lộ rõ, đó là sự mất cân đối về phát triển thị trường, chưa coi trọng đúng mức thị trường nội địa. Vì vậy, cần bàn cách để lấy du lịch nội địa làm cứu cánh, phát động các chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, lạ hấp dẫn du khách, tích cực thúc đẩy số hoá cũng như xây dựng sản phẩm Du lịch mới lạ, hấp dẫn.
“Hiện nay nhiều điểm đến của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, ví dụ như Phú Quốc, như Cầu Vàng, Đà Nẵng, nhưng liệu 5 năm nữa những điểm đến này có còn nóng nữa không? Vì nhu cầu của du khách luôn có xu hướng khám phá, trải nghiệm những cái mới, lạ, vì vậy yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng nêu rõ.
"Tại sao chỉ một nhóm nhạc Hàn Quốc mà họ đi biểu diễn khắp thế giới, mang lại lợi nhuận gấp 20 lần tập đoàn Huyndai. Tại sao các hãng phim quốc tế chọn Ninh Bình để làm cảnh quay tạo nên những bộ phim bom tấn? Chúng ta phải suy nghĩ, để từ đó chọn lựa", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Với Thể thao, chiến lược phát triển thể thao là rất cần thiết, ngànhThể thao cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT những năm tiếp theo.
Ngành Thể thao cũng sẽ phải đặt ra chương trình hành động trong 5 năm tới để tập trung phát triển sâu rộng phong trào thể thao quần chúng, tạo đà cho sự phát triển của thể thao thành tích cao. “Nhiệm vụ trước mắt là Thể thao Việt Nam phải tập trung cho nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức thành công SEA Games 31. Việc đăng cai SEA Games 31 không chỉ góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn tác động trở lại, kích thích sự phát triển của Du lịch. Bên cạnh đó ngành Thể thao cũng phải chuẩn bị thật tốt về lực lượng cho các Đại hội thể thao lớn như Olympic. Chúng ta phải làm một cách căn cơ, bài bản, chú trọng các Trung tâm huấn luyện thể thao – nơi đào tạo các tài năng thể thao nước nhà”, Bộ trưởng nói.
Mong muốn sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau Hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ phải tổng kết để ban hành các quy chế, tuân thủ các nguyên tắc lãnh đạo, xây dựng Ban cán sự đoàn kết, hết lòng vì công việc chung, từ đó lan tỏa ra các đơn vị của Bộ.
Bộ trưởng cũng cho biết, tháng 6 tới Bộ sẽ xem xét thí điểm ký cam kết trách nhiệm giữa lãnh đạo các Cục, Vụ với lãnh đạo Bộ. Tiến tới năm 2022 sẽ ký cam kết giữa tất cả lãnh đạo các đơn vị của Bộ với lãnh đạo Bộ theo hướng có trọng tâm trọng điểm, có sản phẩm và có đầu ra. Bộ giao việc sẽ có trọng tâm trọng điểm, có sản phẩm.
Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm của Bộ là tìm điểm nghẽn trong thể chế để đề xuất tháo gỡ. “Phải bắt đầu từ thể chế, tìm xem điểm nghẽn nào làm văn hóa không phát triển, tìm nguồn lực để hình thành thiết chế văn hóa theo phân cấp. Chọn việc mà làm, hướng đến môi trường văn hoá, văn hóa cơ sở là gốc, chọn địa bàn để chỉ đạo. Nếu chỉ tại Hội nghị nói mà không thực hiện thì tất cả chỉ trên giấy. Nên sau Hội nghị chúng ta phải triển khai ngay, chọn từng địa phương thực hiện, mỗi đơn vị chọn một vài địa phương thực hiện. Các thứ trưởng phải là mũi nhọn trong lĩnh vực mình quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
VH