Dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đoàn Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo tỉnh và Sở VHTTDL Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh... Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Du lịch cộng đồng…
Vùng Việt Bắc nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, là miền đất non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, con người mộc mạc, thân thiện, mến khách. Việt Bắc là cái nôi cách mạng, nơi đang lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, được thiên nhiên ban tặng những kỳ quan với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ.
Việt Bắc từ lâu đã được du khách đánh giá là điểm đến thú vị cho những kỳ nghỉ. Vùng Việt Bắc nổi tiếng với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, danh thắng hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang)... Việt Bắc còn thu hút du khách bởi các di tích quốc gia đặc biệt như: di tích lịch sử Pắc Bó (Cao Bằng), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), Di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang) và di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Trưởng Ban tổ chức Dương Văn Lượng, đến với Việt Bắc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Lô Lô cùng rất nhiều dân tộc thiểu số khác được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên vùng cao... Các dân tộc sinh sống ở vùng Việt Bắc đều giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có, tạo nên bản sắc độc đáo, có sức hấp dẫn thu hút đặc biệt đối với mọi du khách.
Tại Thái Nguyên, du khách sẽ được thăm lại chiến khu xưa tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; tri ân sự hy sinh anh dũng của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; tìm hiểu những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; khám phá hồ Núi Cốc với vẻ đẹp non nước hữu tình gắn với câu chuyện tình huyền thoại của chàng Cốc, nàng Công; tham quan các di tich lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng tại các địa phương trong tỉnh như hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, khu di tích khảo cổ học Thần Sa, đền Đuổm, chùa Hang...
“Những danh thắng du lịch và di sản văn hóa của Thái Nguyên khi được kết nối với những di sản văn hóa vùng Việt Bắc sẽ tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn du khách” – ông Lượng khẳng định.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Nguyên đã tiến hành việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nhằm phát triển du lịch thông minh, cung cấp những thông tin về điểm đến du lịch một cách nhanh nhất để quảng bá về hình ảnh đất và người Thái Nguyên, đồng thời tăng tính trải nghiệm cho du khách.
“Phát huy những thành công, kết quả đạt được của các tỉnh qua nhiều kỳ tổ chức, Thái Nguyên luôn xác định việc tổ chức thường niên chương trình này nhằm xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng Việt Bắc, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, liên kết vùng góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng Việt Bắc phát triển nhanh trong những năm tới với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bày tỏ.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho hay, để định hướng chung cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch 2021-2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Do vậy, 6 tỉnh vùng Việt Bắc cần tiếp tục hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ hai chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, đó là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Đồng thời, Thứ trưởng Việt cũng gợi ý các nội dung mà vùng Việt Bắc cần quan tâm triển khai thực hiện để tạo sự bứt phá cho du lịch từng tỉnh. Cụ thể, mỗi tỉnh cần phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và tạo được dấu ấn riêng, khác biệt so với các địa phương khác. Cùng với việc phát triển sản phẩm du lịch mới, cần tăng tính trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm du lịch hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Đặc biệt, các tỉnh Việt Bắc cần đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đây cũng là yêu cầu phù hợp xu thế thế giới, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh với thiết thực trong việc phát triển du lịch trong điều kiện phòng chống dịch bệnh;
Đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, chú ý phát huy vai trò, hiệu quả liên kết vùng, liên kết giữa các thị trường, doanh nghiệp. Và, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại 6 tỉnh cũng là một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm để ngành Du lịch có thể bứt phá trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch.
Cũng trong chương trình, tỉnh Thái Nguyên đã trao cờ đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII năm 2022 cho tỉnh Hà Giang. Là đơn vị đăng cai tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, cho biết, chương trình Du lịch ‘Qua những miền di sản Việt Bắc’ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại tỉnh Hà Giang; các năm tiếp theo được tổ chức luân phiên tại các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn – Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang nhằm giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của 6 tỉnh vùng Việt Bắc tới du khách trong và ngoài nước. Qua đó, tăng cường mối quan hệ giao luu, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, là cầu nổi giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc với du lịch cả nước. Năm 2022 là vòng thứ 3 Hà Giang tiếp tục đăng cai tổ chức chương trình. Do đó, Hà Giang xác định chương trình năm tới cần đổi mới để tạo sức hút cho du khách. Đổi mới từ hình thức tới nội dung, trong đó cần nhấn mạnh nội dung phải có chiều sâu, hợp với xu hướng mới của du lịch. “Hà Giang cũng cam kết sẽ đưa chương trình năm 2022 thành điểm nhấn, hiệu quả và thiết thực hơn góp phần phục hồi ngành Du lịch theo mục tiêu đã đề ra” – ông Quý khẳng định.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu và đông đảo du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Sắc màu Việt Bắc” với ba chương gồm: Thái Nguyên - Xứ trà huyền thoại; Việt Bắc - Miền di sản; Việt Bắc - Thái Nguyên vòng tay bè bạn, do chính các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của 6 tỉnh Việt Bắc thể hiện.
Chương trình: Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ 12 - Thái Nguyên 2021 diễn ra đến hết ngày 23/4 với các hoạt động: chương trình khai mạc, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; trình diễn trang phục dân tộc vùng Việt Bắc, Chương trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái - nghỉ dưỡng tỉnh Thái Nguyên; Tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”: Triển lãm ảnh giới thiệu, quảng bá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Chương trình bế mạc. Các hoạt động này sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về sắc màu văn hóa vùng Việt Bắc. |
Đoàn Hoa