Kiểm kê, đánh giá tài nguyên
Việc kiểm kê, nghiên cứu và đánh giá giá trị các sản phẩm văn hóa là một công việc hết sức quan trọng có ý nghĩa tiên quyết đối với toàn bộ các bước tiếp theo.
Mục đích của công việc kiểm kê, đánh giá tài nguyên là nghiên cứu và xác định một cách toàn diện, đầy đủ nhất các giá trị và các thành tố cấu thành của sản phẩm văn hóa nhằm làm cơ sở cho việc xác định đối tượng khách hướng tới (thị trường mục tiêu) và việc đánh giá khả năng khai thác cho hoạt động du lịch cũng như cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của sản phẩm văn hóa một cách bền vững.
- Xác định thị trường mục tiêu và các đặc tính, thị hiếu của thị trường này: Trên thực tế mỗi sản phẩm văn hóa chỉ có sức hấp dẫn đối với một hoặc một số đối tượng khách, rất ít sản phẩm có khả năng thu hút mọi đối tượng công chúng. Vì vậy, việc xác định đúng đối tượng khách hướng tới của sản phẩm văn hóa sẽ giúp cho việc định hướng khai thác các sản phẩm này cho hoạt động du lịch trở nên hiệu quả hơn.
- Đánh giá khả năng khai thác cho hoạt động du lịch: Một sản phẩm văn hóa có thể khai thác được cho hoạt động du lịch cần hội đủ nhiều yếu tố như tính đặc trưng, tính ổn định và tính mở. Tính đặc trưng của sản phẩm văn hóa sẽ tạo nên khả năng hấp dẫn đối với thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tính đặc trưng này không nhất thiết chỉ là giá trị nội tại của sản phẩm văn hóa mà phải được xác định trong mối tương quan với nhu cầu và thị hiếu của thị trường mục tiêu. Lấy ví dụ, múa rối nước không phải là sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Nội nhưng lại được khai thác rất thành công cho khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Tính ổn định của sản phẩm văn hóa thể hiện ở chu kỳ và tần suất phục vụ của các sản phẩm văn hóa. Nếu thiếu tính ổn định này thì những nỗ lực và nguồn lực đầu tư cho hoạt động khai thác du lịch sẽ bị lãng phí và không thể đưa vào các chuyến du lịch có kế hoạch trước của du khách. Tính mở thể hiện ở khả năng có thể điều chỉnh của các sản phẩm văn hóa. Những sản phẩm văn hóa khi đưa vào khai thác cho hoạt động du lịch bên cạnh việc duy trì các giá trị cốt lõi của mình phải có khả năng thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh cụ thể (như việc thay đổi không gian biểu diễn của một số loại hình nghệ thuật hay điều chỉnh cách tổ chức của các lễ hội...). Tuy nhiên, việc thay đổi hoặc điều chỉnh các sản phẩm văn hóa có thể gây ra xung đột với các yêu cầu về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho nên khi tiến hành các hoạt động khai thác du lịch đối với sản phẩm văn hóa cần có sự cân nhắc và cân đối giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu bảo tồn.
Xây dựng quy hoạch/chương trình khai thác:
Đối với những sản phẩm văn hóa sau khi đã xác định có khả năng xây dựng thành một sản phẩm du lịch thì một công việc quan trọng và cần thiết là tiến hành thiết lập một quy hoạch tổng thể (đối với những sản phẩm có quy mô lớn hay giá trị cao) hoặc một chương trình dài hạn để quản lý một cách toàn diện quá trình khai thác cho hoạt động du lịch. Công việc này cần được tiến hành một cách cẩn trọng nhằm đảm bảo cho việc đưa các sản phẩm văn hóa đến với du khách được thực hiện một cách bền vững và có hiệu quả cao. Các quy hoạch/chương trình này cần tính đến những nhân tố như xu hướng tiêu dùng của thị trường mục tiêu, những tác động của hoạt động du lịch tới sản phẩm văn hóa, các hoạt động quản lý và nguồn lực cần thiết để khai thác cũng như hiệu quả kinh tế – xã hội tổng hợp của quá trình khai thác...
Liên kết, thiết lập hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực
Sản phẩm văn hóa nói riêng cũng như các tài nguyên du lịch khác nói chung chỉ có thể khai thác được cho hoạt động du lịch khi có các điều kiện về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch.
Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều thành tố nhưng để phát triển hoạt động du lịch thì điều kiện tiên quyết cần có là hệ thống giao thông. Các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch bao gồm hệ thống vận chuyển khách, khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí… Ngoài ra, bản thân các sản phẩm văn hóa trong nhiều trường hợp cũng cần có những cơ sở vật chất riêng có. Một sản phẩm văn hóa chỉ có thể trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh khi các yếu tố này được đảm bảo. Do vậy, ngay từ trong quá trình lên kế hoạch xây dựng sản phẩm yếu tố này đã phải được tính đến.
Nhân tố con người giữ vai trò quyết định tới việc khai thác một cách có hiệu quả các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch. Chính vì vậy, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một khâu then chốt trong quy trình xây dựng sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Nguồn nhân lực này cần được trang bị cả những kiến thức về du lịch và văn hóa cũng như lòng yêu nghề và sự trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc.
Tổ chức liên kết với các tuyến điểm du lịch
Các sản phẩm du lịch ít khi được khai thác một cách đơn lẻ mà thường tập hợp và liên kết lại với nhau trở thành những điểm, tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và tổng hợp của du khách. Do vậy, ngay trong giai đoạn lập kế hoạch cũng như tổ chức khai thác, nếu không tính đến yếu tố này và nằm ngoài các điểm, tuyến du lịch chính thì việc khai thác các sản phẩm văn hóa sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi sự đầu tư lớn. Để một sản phẩm văn hóa có thể kết hợp với các sản phẩm khác nhằm tạo những điểm, tuyến du lịch đôi khi cũng cần có sự điều chỉnh trong hình thức hoặc cách thức tổ chức sản phẩm văn hóa này (như thời gian, không gian…).
Xúc tiến quảng bá hình ảnh của sản phẩm văn hóa.
Việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh của sản phẩm sẽ làm cho đối tượng công chúng rộng rãi nắm được thông tin về sản phẩm và đặc biệt là những giá trị văn hóa mà nó chứa đựng. Chính điều này sẽ tạo nên sự ham muốn tìm hiểu, khám phá và thưởng thức – nền tảng phát sinh ra nhu cầu du lịch của con người.
Quá trình xúc tiến quảng bá hình ảnh sản phẩm nói chung và hình ảnh của sản phẩm văn hóa nói riêng là một quá trình phức tạp và lâu dài, đòi hỏi những kỹ thuật và kiến thức chuyên sâu. Quá trình này bao gồm nhiều giai đoạn trong đó sử dụng nhiều công cụ và phương tiện từ khâu thiết kế hình ảnh (logo, slogan, hình ảnh đặc trưng…) đến việc thiết lập và duy trì hoạt động của các kênh truyền thông….
Liên kết với các công ty gửi khách và các nguồn khách chính
Một cách khá thông dụng để khai thác các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch chính là thông qua các công ty lữ hành hoặc các đầu mối gửi khách lớn. Những đối tác này không chỉ làm nhân tố trung gian liên kết các sản phẩm và làm cầu nối đưa sản phẩm văn hóa đến với du khách mà chính họ thông qua các hoạt động của mình còn thực hiện việc xúc tiến quảng bá cho các sản phẩm văn hóa này. Thông qua quá trình kinh doanh của mình, những đối tác này có thể đưa ra những yêu cầu thực tế mà qua đó, các nhà quản lý có khả năng điều chỉnh để hoàn thiện hơn quá trình khai thác sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch.
Để có thể tạo ra mối liên kết bền vững và có hiệu quả với các đối tác này, các nhà quản lý sản phẩm văn hóa cần có những chính sách phù hợp nhằm kích thích hoạt động của các công ty lữ hành hay các đầu mối gửi khách thông qua các ưu đãi về chính sách giá, sản phẩm hay những hỗ trợ về tổ chức…
Các hoạt động duy trì, bảo tồn.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì mục đích chính của việc khai thác các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch là phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của những sản phẩm này. Để có thể khai thác một cách bền vững, các sản phẩm văn hóa đòi hỏi các hoạt động duy trì và bảo tồn nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa nội tại. Quá trình này thường được tiến hành song song, đan xen và nhiều lúc không tách bạch được giữa việc lưu giữ các giá trị truyền thống (bảo tồn) với việc bổ sung các nguồn lực (kỹ thuật, công nghệ, nhân lực, cơ sở vật chất…) để đảm bảo sự khai thác các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục và có hiệu quả (duy trì).
Đánh giá và điều chỉnh
Việc đánh giá cần dựa trên những mục tiêu đã đặt ra trong quá trình lên kế hoạch. Thông thường một sản phẩm văn hóa được đánh giá là khai thác có hiệu quả cho hoạt động du lịch phải đạt được những mục tiêu về kinh tế, về sự quảng bá rộng rãi cũng như uy tín của hình ảnh sản phẩm và đặc biệt là mục tiêu về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Căn cứ vào các đánh giá định kỳ, các nhà quản lý sản phẩm văn hóa có thể tiến hành quá trình điều chỉnh những nội dung trong hoạt động tổ chức, quản lý và khai thác sản phẩm của mình. Việc điều chỉnh này có thể bao gồm từ việc xác định mục tiêu khai thác hay xác định đối tượng phục vụ hướng tới (thị trường mục tiêu) cho đến việc tổ chức và quản lý khai thác. Thậm chí quá trình này bao gồm cả việc xác định lại những khía cạnh đưa vào khai thác cho hoạt động du lịch của sản phẩm văn hóa.
Có thể khẳng định, việc khai thác các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và nguồn lực. Thông qua mô hình hệ thống sản phẩm du lịch (tourism production system – TPS) và cách tiếp cận khái niệm sản phẩm du lịch một cách khái quát có thể thấy việc xây dựng một sản phẩm văn hóa thành một sản phẩm du lịch trong khi vẫn đảm bảo được các mục tiêu bảo tồn phải trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn. Các công việc này phải được tiến hành một cách cẩn trọng và căn cứ vào nhiều điều kiện và nhân tố khách quan như môi trường văn hóa - xã hội; đường lối, chính sách phát triển văn hóa và du lịch cũng như những điều kiện về kinh tế và nhu cầu của công chúng. Việc đảm bảo những yêu cầu này sẽ giúp cho quá trình khai thác các sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch được diễn ra một cách có hiệu quả và bền vững.
Ths. Nguyễn Quang Vinh