![](/FileManager/mypicture/ong-Lu-Nhan-Vinh.jpg) |
Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội Lưu Nhân Vinh |
* Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội đã chuẩn bị phục vụ Đại lễ Phật đản thế giới 2008 như thế nào?
- Đại lễ Phật đản thế giới 2008 là một sự kiện văn hóa tôn giáo quốc tế lớn, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và phật tử các nước. Sẽ có khoảng 600 đoàn với trên 4.500 đại biểu của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến Việt Nam để tham dự đại lễ trong thời gian từ 13 - 17/5/2008. Đây là một thử thách mới, song cũng là một một cơ hội mới để Việt Nam nói chung, ngành Du lịch nói riêng khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế. Vì lẽ đó, không có lý do gì để chúng ta không nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách này.
Là một trong ba đơn vị lữ hành Việt Nam được chọn và giao phục vụ Đại lễ Phật đản thế giới 2008, đối với Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội, đây là cơ hội vàng để công ty tiếp tục nâng cao uy tín của mình. Với kinh nghiệm hơn 40 năm phát triển, với đội ngũ cán bộ, nhân viên thạo chuyên môn, giàu kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ. Hiện tại, Công ty đang tích cực phối hợp với các bạn hàng, các nhà cung cấp dịch vụ để chuẩn bị cho công tác phục vụ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Du lịch và Ban Điều phối quốc gia.
* Xin ông khái quát một số thành tựu nổi bật Công ty đã đạt được trong thời gian qua?
- Thời gian qua, Công ty luôn có sự tăng trưởng về mọi mặt, uy tín thương hiệu không ngừng nâng cao. Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, Công ty liên tục nhận được Cúp topten lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn. Với lượng khách tăng 42% so với năm 2006 (khách quốc tế tăng 35%, khách outbound và nội địa tăng 53%) năm 2007 Công ty đã nhận được Cờ Thi đua của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cúp vàng Thương hiệu Việt 2007 của Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Cờ Thi đua của Công đoàn ngành Công thương, Bằng khen của Bộ Công an về công tác an ninh… Sản phẩm của Công ty ngày càng được khách hàng mến mộ, đời sống CBNV ngày càng được cải thiện.
* Theo ông, người lãnh đạo đóng vai trò như thế nào trong quá trình điều hành doanh nghiệp?
- Người lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp, là chỗ dựa vững vàng về mọi mặt, được nhân viên quý mến và tin tưởng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh doanh hết sức phức tạp với áp lực cạnh tranh đến từ nhiều phía như hiện nay, người lãnh đạo càng phải gương mẫu, biết chia sẻ khó khăn, dám làm, dám chịu, tạo ra cơ chế làm việc thông thoáng, tạo được sự phối hợp tốt giữa các bộ phận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
* Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực được Công ty thực hiện như thế nào?
- Tôi cho rằng, mỗi cá nhân là một mắt xích gắn kết nhau thành một quy trình khép kín, vì thế, sử dụng nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn. Bởi lẽ, quản lý doanh nghiệp thực chất cũng là quản lý con người, đặc biệt là trong hoạt động lữ hành, nơi đòi hỏi từng vị trí con người đều phải được coi trọng. Chỉ cần có trục trặc xảy ra ở một khâu, chắc chắn sẽ dẫn đến sự xáo trộn của cả một bộ máy. Vì thế, trong quá trình tuyển chọn nhân sự, chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn khắt khe về chuyên môn nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, giao tiếp, nắm bắt tâm lý khách hàng… Sau khi được tuyển chọn, CBNV được Công ty trọng dụng và tạo điều kiện làm việc thuận lợi. Đặc biệt, việc bố trí “đúng người, đúng vị trí” đã giúp Công ty khai thác, phát huy tốt năng lực và nhiệt huyết của từng người.
Để nâng cao trình độ cho CBNV, ngoài tiến hành đào tạo tại chỗ, công ty còn thường xuyên động viên, cử CBNV tham gia các khóa học trong nước và nước ngoài…
* Theo ông, để theo kịp tiến trình hội nhập WTO, Công ty cần khắc phục những điểm yếu nào, phát huy những điểm mạnh nào?
- Khi đã quyết định làm việc ở Công ty, có nghĩa là mỗi CBVN đều xác định toàn tâm gắng sức với hoạt động kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp. Theo tôi, đó chính là sự chuẩn bị tốt nhất, để Công ty có thể vững bước vào cánh cửa hội nhập WTO. Bên cạnh đó, hiện nay, sản phẩm dịch vụ của Công ty vẫn tiếp tục được nhiều bạn hàng quốc tế tin cậy lựa chọn. Điều đó nói lên rằng sản phẩm của Công ty đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để tăng sức cạnh tranh, Công ty sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh; luôn hoàn thiện để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá; tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, ưu tiên các thị trường trọng điểm; phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam để nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tiến tới đặt văn phòng đại diện ở nước ngoài để đưa khách quốc tế vào Việt Nam… Nói cách khác, chúng tôi đang nỗ lực chuyên nghiệp hóa hoạt động lữ hành.
* Là lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch, khi nhìn vào khả năng phát triển của Du lịch Việt Nam hiện nay, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Theo tôi, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả mà Du lịch Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, vẫn còn đó những trăn trở, khó khăn cần tháo gỡ. Chẳng hạn như, hiện nay hoạt động du lịch đang được xã hội hóa một cách rộng rãi, nhiều công ty lữ hành thi nhau ra đời, trong đó không ít doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ kém đã làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp lữ hành trong cả nước; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được cải thiện tốt hơn nhưng vẫn còn yếu kém; giá cả tăng đột biến làm phá vỡ mối quan hệ cung cầu… Những bất cập này đòi hỏi Nhà nước và ngành Du lịch cần có sự điều chỉnh kịp thời để Du lịch Việt Nam không bị mất tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trong quá trình điều chỉnh, cần chú trọng đến hai yếu tố chính, đó là chất lượng và giá cả...
* Xin cảm ơn ông Lưu Nhân Vinh!
PHƯƠNG THẢO (thực hiện)