Hành trình tìm về lịch sử và những giá trị văn hóa
Quảng Ngãi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, tràn ngập màu sắc văn hóa. Một nơi mà cổ đại và hiện đại nối tiếp, hòa quyện văn hóa của các tộc người sinh sống và cộng cư tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Có thể nói, tinh hoa của các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt vẫn còn thấm đẫm trong từng di tích, di chỉ văn hóa, trong lối sống, phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, nghệ thuật ẩm thực của cư dân bản địa gồm bốn dân tộc anh em Kinh, H’re, Cor và Cadong. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều địa điểm du lịch cho những ai yêu thích hành trình tìm về lịch sử, về những giá trị văn hóa như: Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Điện Trường Bà, Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, chùa Hang, đình làng An Vĩnh… Bên cạnh đó, việc hòa mình vào các lễ hội truyền thống như Khao lề thế lính Hoàng Sa, Đua thuyền tứ linh, Nghinh Ông… sẽ giúp du khách trải nghiệm cuộc sống tại đây với những người dân địa phương thân thiện và hiếu khách.
Quảng Ngãi là sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng với đường bờ biển trải dài hơn 130km với nhiều bãi tắm thơ mộng, các tuyệt tác thiên nhiên độc đáo, các rạn san hô tuyệt đẹp, tạo nên tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng; những ngọn núi hùng vĩ, mờ ảo trong sương với cung đường đèo uốn lượn… Những điểm đến như đảo Lý Sơn, bãi biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh, gành Yến, núi Thiên Ấn, thác Trắng, Suối Chí, bàu Cá Cái, đã góp phần làm nên vẻ đẹp vô cùng thơ mộng cho mảnh đất Quảng Ngãi, biến nơi đây trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, khiến cho bất cứ du khách nào ngược xuôi về vùng duyên hải đều không thể bỏ qua.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo”; Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XX cũng xác định: “Phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Trường lũy Quảng Ngãi, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể”. Cùng với đó, hạ tầng ven biển của tỉnh và đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như cảng Bến Đình, tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 1; cầu Cổ Lũy; hạ tầng khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Mỹ Khê; một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài nhà nước đã và đang hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng như Cocoland river beach resort & spa tiêu chuẩn 4 sao, suối nước nóng Nghĩa Thuận, suối Chí, Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã,…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đang kêu gọi, thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Thạch Bích, Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam, các d��̣ án dọc theo tuyến đường biển Dung Quất – Sa Huỳnh, Công viên Quảng Trường biển, kết hợp khu đô thị – dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi, Khu du lịch biển Mỹ Khê; các dự án Hồ Núi Ngang, Bùi Hui, Khu du lịch Đặng Thùy Trâm… Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi đón được 1.360.000 lượt khách, trong đó, 160.000 lượt khách quốc tế, 1.200.000 lượt khách nội địa. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025: tổng lượt khách đạt khoảng 24,3%/năm; khách quốc tế đạt khoảng 77,6%/năm; khách nội địa đạt khoảng 21,7%/năm.
Để Quảng Ngãi từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch Quảng Ngãi:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch. Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối và giao thông nội bộ tại Trung tâm du lịch thành phố Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía Đông Bắc (Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng) và Tây Nam (Ba Tơ, thị xã Đức Phổ), tạo thuận lợi tối đa về hạ tầng để đảm bảo phát triển, hình thành các khu, điểm du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đến sân bay Chu Lai; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, (thành phần 1, thành phần 2); đê chắn sóng cảng Bến Đình huyện Lý Sơn... Huy động nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa; phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu của du khách. Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển du lịch.
Thứ hai, phát triển các khu, điểm du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, có 02 khu du lịch quốc gia (Khu Du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Lý Sơn), 4 khu du lịch cấp tỉnh (Khu du lịch Sa Huỳnh; Khu du lịch Hồ Núi Ngang, Khu du lịch sinh thái Thạch Bích, Khu du lịch Bình Châu) và 6 điểm du lịch (Điểm du lịch sinh thái Suối Chí, điểm du lịch thảo nguyên Bùi Hui, điểm du lịch trải nghiệm văn hóa Hre (Ba Thành, Ba Tơ), điểm du lịch miệt vườn trái cây Bình Thành (Hành Nhân, Nghĩa Hành), điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, điểm du lịch cộng đồng cây Gạo (Đức Tân, Mộ Đức) được công nhận.
Thứ ba, phát triển mạnh 03 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; trong đó, lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Lý Sơn, Bình Sơn, khu du lịch Mỹ Khê (thành phố Quảng Ngãi), khu du lịch Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ). Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu, giáo dục, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng tại các điểm di tích, di chỉ khảo cổ; phát triển sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội truyền thống của người dân địa phương, đặc biệt là một số lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo dấu ấn riêng có cho du lịch Quảng Ngãi; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng (huyện Lý Sơn, Làng Gò Cỏ (Đức Phổ), Làng tranh bích hoạ 3D Thanh Thuỷ (Bình Sơn), trải nghiệm văn hóa Hre tại huyện Ba Tơ), du lịch nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản phẩm du lịch về đêm; du lịch thể thao; du lịch công nghiệp.
Phát triển hệ thống sản phẩm quà lưu niệm đa dạng, chất lượng, mang đặc trưng, thương hiệu của Quảng Ngãi như: Quế Trà Bồng; hành, tỏi Lý Sơn; cá bống Sông Trà; mạch nha, kẹo gương, thổ cẩm…
Thứ tư, tiếp tục phát triển hiệu quả tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, liên vùng, trong thời gian đến, tập trung phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng – Cù Lao Chàm – Lý Sơn – Sa Kỳ.
Thứ năm, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”. Tối ưu hóa và đẩy mạnh quảng bá để sử dụng rộng rãi App Du lịch Quảng Ngãi. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng, sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch; triển khai thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin địa chúng. Liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước, nhất là các tỉnh, thành trong liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thứ sáu, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đảm bảo đủ nguồn nhân lực tương ứng với vị trí việc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch, xúc tiến du lịch cho các cán bộ công chức, viên chức; tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cán bộ và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh du lịch; khuyến khích cơ sở kinh doanh du lịch đào tạo tại chỗ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học cho người lao động.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi