Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Tây Ninh tại Hà Nội là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, du lịch Tây Ninh và Hà Nội, các sản phẩm dịch vụ du lịch, các khu điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa, nét ẩm thực đặc trưng của tỉnh Tây Ninh đến du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, sản phẩm đặc sản của Tây Ninh gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, mở rộng quy mô và phát triển thị trường, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước thông qua các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các hiệp hội, doanh nghiệp.
Tây Ninh - Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam và vươn tầm quốc tế
Ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, được biết đến là vùng đất kiến tạo chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng, là điểm cuối của dãy núi Trường sơn hùng vĩ là Núi Bà Đen và vùng đồng bằng khá nhiều sông suối, đặc biệt là có Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á và cũng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thuộc vùng đồng bằng rộng lớn với nông sản đặc trưng trong nước và xuất khẩu với thương hiệu 4 M "mía - mì – mủ cao su – mãng cầu" và hiện nay đang hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả.
Tây Ninh từ lâu được biết đến với Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, với ngôi Chùa Bà có tuổi đời 300 tuổi cổ xưa nhất Tây Ninh nổi bật giữa các điện, miếu, chùa tháp linh thiêng trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ lâu cùng nhiều huyền tích xa xưa, kỳ lạ, đã trở thành một điểm tựa vững chãi về tâm linh của người dân Tây Ninh nói riêng và hàng trăm ngàn khách thập phương nói chung, mỗi năm lại quay trở về đây để chiêm bái, cầu an; tòa thánh Cao Đài Tây Ninh - nơi khai sinh tôn giáo Cao Đài, tôn giáo riêng có thuần Việt; di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, cùng nhiều danh lam thắng cảnh và ẩm thực phong phú, đa dạng.
Những năm gần đây, hàng năm Tây Ninh có khoảng 2 đến 2,5 triệu lượt khách du lịch, từ năm 2022 Tây Ninh vượt lên top 5 với đột phá lượng khách đạt 4 triệu lượt và đến hết tháng 9 lượng khách tham quan khu điểm du lịch đạt 4,5 triệu lượt với tổng doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 sẽ đạt 5 triệu lượt khách.
“Qua Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, khu vực, thu hút đầu tư và phát triển du lịch giữa các địa phương qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đến với Tây Ninh, du khách như về nhà mình, du khách sẽ cảm nhận sự ấm áp, nghĩa tình với sự hiếu khách và nhiều nét đặc trưng riêng có”, ông Võ Đức Trong nhấn mạnh thêm.
Hội nghị đã mang tới cho các đại biểu tham dự một bức tranh toàn cảnh vô cùng tiềm năng và hấp dẫn của du lịch Tây Ninh, với đa dạng loại hình và sản phẩm, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại đang khiến lượng khách đến với Tây Ninh còn hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường thu hút nguồn khách du lịch đa dạng đến từ các điểm đến khác như miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là du khách từ thủ đô Hà Nội - một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước được xem là vấn đề trọng tâm của Tây Ninh hiện nay.
Tăng cường thu hút nguồn khách du lịch đa dạng
Bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, doanh nghiệp gắn bó và tạo nhiều dấu ấn trong sự phát triển của du lịch Tây Ninh suốt nhiều năm qua nhấn mạnh: “Với 95 di tích được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như Núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, ẩm thực phong phú, thiên nhiên đa dạng, văn hóa giàu bản sắc với hơn 40 lễ hội trong năm, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch mà nhiều điểm đến khác mơ ước”.
Tuy nhiên, bà Nguyện cũng đồng thời chỉ ra khá nhiều tồn tại và thách thức đối với ngành công nghiệp không khói của Tây Ninh. Cụ thể: Du lịch văn hóa và các tiềm năng du lịch sẵn có nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng có; chưa có các quy hoạch phát triển du lịch bài bản; thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng vui chơi giải trí và lưu trú; đội ngũ nhân lực du lịch còn mỏng, thiếu và yếu…
Trên những tiềm năng, thế mạnh vượt trội, du lịch Tây Ninh cần đặt mục tiêu hướng tới trở thành “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam và vươn tầm quốc tế”. Theo đó, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở quy hoạch phát triển du lịch, sau đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân, và quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư đủ tâm và tầm, có năng lực triển khai cùng với sự quản lý chặt chẽ trong việc nâng tầm chất lượng dịch vụ đồng đều tại điểm đến.
Bà Nguyện cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để Tây Ninh có thể từng bước hiện thực hóa mục tiêu lớn trên. Cụ thể, Tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, định vị du lịch văn hóa là thế mạnh của Tây Ninh, đồng thời, đẩy mạnh tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại.
Văn hóa là thế mạnh riêng có, do đó Tây Ninh cần khai thác một cách bài bản và sâu hơn nữa thế mạnh này. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm phát triển hệ sinh thái du lịch tâm linh chữa lành. “Kê An Nhiên, Kê Thiên Nhiên cho tâm hồn” là một giải pháp để Tây Ninh khẳng định sự khác biệt và nâng tầm thế mạnh không ai có của mình”, bà Nguyện nói.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao thời gian qua tỉnh Tây Ninh đã khá chủ động khi kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước để đưa Tây Ninh đến gần hơn với du khách.
Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bắt được xu hướng gắn kết thị trường, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Tây Ninh cũng như sản phẩm du lịch độc đáo mới lạ của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đến với các đối tác trong và ngoài nước. Tây Ninh cũng cần tạo thêm các sản phẩm du lịch đêm để gia tăng trải nghiệm và giữ chân du khách được dài hơn; tăng cường liên kết để tạo thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết đồng hành cùng địa phương và các doanh nghiệp để quảng bá du lịch Tây Ninh trong nước và quốc tế.
Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình Hội nghị là tọa đàm “Để yêu Tây Ninh” với sự tham dự của các diễn giả: ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB MICE Việt Nam (VMC) và nhiếp ảnh gia quốc tế chuyên về du lịch - KOL Khánh Phan.
Tọa đàm đã trao đổi, đề xuất, góp ý những sáng kiến, hành động để thúc đẩy, khai thác dư địa của du lịch Tây Ninh, đồng thời tìm kiếm giải pháp tăng cường thu hút du khách Hà Nội nói riêng và du khách miền Bắc nói chung đến với Tây Ninh.
Tại tọa đàm, đa số các diễn giả cho rằng, dù sở hữu những thế mạnh ít nơi nào có được để phát triển nhiều loại hình du lịch, song Tây Ninh vẫn đang bỏ ngỏ những cơ hội với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch MICE… Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng cần đẩy mạnh, để có thể tiếp cận và xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa tại nhiều thị trường khách trong nước và quốc tế.
Đại diện doanh nghiệp và chuyên gia du lịch tham dự tọa đàm cũng đã đưa ra các góc nhìn mới, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để khắc phục các hạn chế, phát huy thế mạnh và thúc đẩy sự phát triển của du lịch Tây Ninh.
Đánh giá cao những đóng góp, đề xuất kiến nghị của các chuyên gia và doanh nghiệp, ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Buổi tọa đàm đã giúp chúng tôi nhìn rõ hơn các thế mạnh đặc biệt cũng như tiềm năng chưa khai thác hết của du lịch Tây Ninh. Đây sẽ là những gợi ý và đề xuất hết sức thiết thực, để Tây Ninh có một lộ trình khai thác các tiềm năng du lịch Tây Ninh hiệu quả cả trước mắt và lâu dài”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết xúc tiến phát triển du lịch Tây Ninh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cùng các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển, với các nhiệm vụ, mục tiêu và cam kết cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và tăng cường thúc đẩy lượng khách đến với Tây Ninh trong thời gian tới.
Hội thảo đã mở ra cho du lịch Tây Ninh không chỉ những cơ hội hợp tác phát triển mới mà còn mang lại rất nhiều những giải pháp hữu hiệu, để trong tương lai, du lịch Tây Ninh có thể cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào mục tiêu to lớn của Tây Ninh là trở thành một cực tăng trưởng mới tại vùng Nam Bộ vào năm 2030.
Lan Phương