Dự án nhằm mục tiêu khôi phục và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch, cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của 63 tỉnh thành Việt Nam cùng tà áo dài. Đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, đưa ra những giải pháp gỡ rối cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ cho biết, đây là sự kiện ý nghĩa và rất kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.
Theo đó, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đối với lĩnh vực du lịch, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch đã và đang triển khai các giải pháp hình thành Hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể trong ngành gồm có: khách du lịch, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý.
Qua hai năm chịu tác động của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sâu rộng và toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Nhu cầu và hành vi du lịch của con người cũng đã thay đổi, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đã biến dạng. Các báo cáo nghiên cứu, đánh giá của ngành du lịch chỉ rõ khách du lịch sau COVID-19 có tâm lý e ngại du lịch đến trung tâm đông người; quan tâm nhiều hơn tới an toàn sức khỏe; dè dặt thận trọng khi lựa chọn điểm đến, phương tiện và cách thức tổ chức chuyến đi. Du khách thiên hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè và gia đình, tìm đến những khu nghỉ chất lượng, an toàn, tách biệt, gần gũi thiên nhiên, ít tiếp xúc và ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện chuyến đi theo ý muốn. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến, dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống.
Chính vì vậy, Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thuỷ tin tưởng rằng: "Dự án “Quảng bá du lịch Việt Nam và Xúc tiến Thương mại trong chuyển đổi số" sau khi hoàn thành sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đồng thời giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về điểm đến cùng những giá trị di sản, văn hóa của đất nước Việt Nam".
Theo Ban Tổ chức, về hành trình quảng bá du lịch Việt Nam, mỗi tỉnh sẽ cùng với Đại sứ dự án và 5 doanh nhân tiêu biểu tham gia trải nghiệm, chụp hình tại địa điểm có các Di sản văn hóa đặc trưng của tỉnh đó. Điểm đến đầu tiên theo lịch trình là Bắc Giang với hai địa điểm đặc sắc là Tây Yên Tử và chùa Vĩnh Nghiêm; tiếp theo là Hải Phòng với tháp Tường Long và tượng nữ tướng Lê Chân; Quảng Ninh với vịnh Hạ Long và đền Ba Vàng... Những điểm đến tiếp theo lần lượt là Hưng Yên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Phan Thiết.
Trong đó, mục tiêu của dự án là xuất bản thành công ấn phẩm "Tạp chí Ảnh" gồm 100 trang về du lịch & di sản văn hóa thuộc 63 tỉnh, thành; xuất bản video du lịch 63 tỉnh, thành và phát trên kênh VTV6 Đài truyền hình Việt Nam; xây dựng phòng trải nhiệm “Thực tế ảo” các danh lam thắng cảnh; tổ chức tọa đàm và hội thảo tại các tỉnh, thành trên cả nước về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thảo Anh