Du lịch Việt Nam mở cửa phấn đấu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn là sự kiện hết sức có ý nghĩa hưởng ứng chủ trương mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 theo tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” của Chính phủ. Hội nghị là dịp để thảo luận việc chuẩn bị của toàn Ngành, của mỗi địa phương, doanh nghiệp; sự phối hợp, hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mở lại hoạt động du lịch thực sự hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; để thực sự Du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.
Theo Thứ trưởng, thời gian tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, hỗ trợ tốt về chính sách nhằm đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, phục hồi, thu hút lại thị trường khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép. Do đó, cần có các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, nỗ lực để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo; cần định hướng sản phẩm trong đó tập trung xây dựng, phát triển và quảng bá các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe…Trước mắt tập trung các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Úc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; thị trường gần khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong công tác tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các hãng truyền thông quốc tế; các hội chợ du lịch quốc tế; các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia tại Quảng Nam.... Để nâng cao hất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp cần phối hợp để làm mới các sản phẩm hiện có, cần bổ sung thêm những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách đã thay đổi do COVID-19; chuẩn bị nguồn nhân lực và các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch; nghiên cứu, triển khai các mô hình, kênh bán hàng phù hợp với nhu cầu mới của thị trường… Việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, điểm đến là yêu cầu, đòi hỏi có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong mở cửa lại hoạt động du lịch nói riêng và trong nâng cao khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến nói chung. Các địa phương liên kết, thống nhất các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, quản lý và trao đổi khách du lịch trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát; xây dựng và công bố các điểm đến an toàn, tăng cường quảng bá xúc tiến. Các doanh nghiệp du lịch phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải hành khách, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, đảm bảo chuỗi cung ứng có chất lượng. Đặc biệt, cần có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với hoạt động du lịch trong bối cảnh trên thế giới vẫn có nguy cơ diễn ra các làn sóng dịch khi tiến hành mở cửa ở quy mô lớn cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng vi-rút mới…
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Sự kiện Việt Nam chính thức mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo phương án 829 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 15/3/2022 có thể coi là dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Du lịch 62 năm vừa qua; đồng thời, là thời điểm vàng để Du lịch Việt Nam bước sang trang mới. Việc mở cửa lại hoạt động du lịch chính là cơ hội mở cửa giao thương quốc tế của Việt Nam sau một giai đoạn dài chịu tác động của dịch COVID-19; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới có những bước tiến dài trong khôi phục kinh tế. Phương án mở cửa du lịch đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và tham gia tích cực của các bộ ngành, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự hỗ trợ, đồng hành của các Bộ, ngành và các địa phương; sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, Du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đề cao tính liên kết trong du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng, các hiệp hội du lịch và các địa phương cần có kế hoạch liên kết để tạo ra các các gói sản phẩm có sức hút không chỉ một tỉnh mà là cụm liên vùng. Để Quảng Ninh trở thành điểm đến thích ứng trong điều kiện bình thường mới, Quảng Ninh xây dựng slogan: Du lịch Quảng Ninh an toàn hấp dẫn, sẵn sàng đón bạn trở lại. Hiện, tỉnh định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa, trong đó sẽ tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp như khu nghỉ dưỡng Onsen, khu nghỉ dưỡng Yên tử và các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao ở khu vực biên giới... Bên cạnh việc triển khai xây dựng sản phẩm mới, tỉnh tập trung làm mới các sản phẩm truyền thống để tạo ra sức hút lớn hơn đối với du khách. Ngoài việc tham quan du lịch, nghỉ đêm trên Vịnh, Quảng Ninh sẽ đem đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm thông qua các sản phẩm du lịch thể thao, khám phá và mở thêm 1 số bãi biển ở ngoài khơi.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại Giao cho biết, dư luận quốc tế đánh giá rất cao và quan tâm đến chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp nhiều du khách đã liên hệ trực tiếp với các sứ quán của Việt Nam để hỏi thông tin về chính sách du lịch và lên kế hoạch đến Việt Nam. Các chính sách mở cửa du lịch của chúng ta đã chuyển thông điệp không chỉ chúng ta mở cửa du lịch mà là mở cửa hoàn toàn về giao thương, giao lưu quốc tế.
Theo bà Trần Nguyện – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group, trải qua 2 năm đại dịch với những tổn thất nặng nề nhưng Sun Group chưa bao giờ chùn bước. Với tâm thế kiến tạo một hệ sinh thái trọn vẹn và đầy đủ nhất tại Quảng Ninh, đó là: Sân bay quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, Premier Village Halong Resort hay mới nhất là khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh… Đây là hệ sinh thái mang đến cảm xúc trọn vẹn nhất cho du khách, đồng thời có thể góp phần giúp Quảng Ninh thay đổi cục diện du lịch, thay đổi tính mùa vụ của du lịch Quảng Ninh. Mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai không chỉ ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc mà sẽ tiếp tục đến với Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình… với nỗ lực góp phần giúp nâng tầm vị thế các vùng đất.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HồChí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, mỗi địa phương có những tài nguyên khác nhau, hệ thống khai thác tài nguyên khác nhau và chính sách khác nhau. Tuy nhiên, một hệ sinh thái đồng bộ để phát triển du lịch bền vững không chỉ là của một địa phương mà chính là liên kết vùng.. TP. Hồ Chí Minh xác định đến năm 2030 tầm nhìn 2045 có thể dùng chung tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm du lịch vùng qua đó hình thành nhiều tour tuyến và sản phẩm hơn để chào bán và khai thác. Đặc biệt, Thành phố chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cũng như áp dụng nền tảng số trong các hoạt động du lịch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Kinh tế học Trần Đình Thiên: Đây là thời điểm sống còn để nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam đồng thời là cơ hội để Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch và tạo ra lòng tin với du khách quốc tế. Ngành Du lịch cần có lộ trình rõ ràng hơn trong việc chủ động hơn công bố với quốc tế về một đất nước an toàn sẵn sàng đón khách du lịch và cần có những cơ chế thông thoáng hơn đối với chính sách miễn thị thực.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Thị Lê Hương –Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam Vietravel cho biết, sự kiện mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch đã khẳng định Du lịch Việt Nam đã chính thức trở lại và Vietravel đã sẵn sàng đón khách. Theo bà Lê Hương, Bộ VHTTDL cần có kế hoạch hành động kết nối các đơn vị liên quan đến du lịch để chuyển đến thế giới thông điệp Việt Nam đã sẵn sàng đón khách du lịch. Thông điệp đó cần được thực tế hóa thông qua các chương trình famtrip để có cái nhìn cụ thể về sức cạnh tranh với các nước. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể trong xử lý tình huống khi khách du lịch nhiễm COVID-19, cần xem xét việc nới lỏng và tăng thời gian miễn thị thực thay vì chỉ có 15 ngày; tăng tần suất bay giữa các nước; đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm tạo ra sức cạnh tranh trong dịch vụ.
“Bán sự hài lòng chính là góp phần phát triển du lịch bền vững” là khẳng định của Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Trương Quốc Hùng tại Hội nghị. Theo ông Hùng, thời gian qua, thành viên câu lạc bộ luôn chủ động với các nhà đầu tư và các nhà cung cấp dịch vụ để xây dựng sản phẩm và chú trọng yếu tố chăm sóc khách du lịch.
Nhất trí với các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, ngành Du lịch cần coi COVID-19 là cơ hội để lấy lại thị phần, định vị lại thương hiệu và làm mới chính mình. Thách thức đặt ra là dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy… do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương đối với các doanh nghiệp; tăng cường sự kết nối giữa hàng không, lữ hành, truyền thông… để có những phương án gắn kết chuỗi cung ứng; bảo đảm sự hợp tác hài hòa giữa các bên để tạo ra hiệu quả và thúc đẩy Du lịch lên một tầm cao mới.
Trong khuôn khổ Hôi nghị, các đại biểu đã nhấn nút phát động khởi động chương trình mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2025 với hãng Hàng không Việt Nam Airline; Ký kết hợp tác kích cầu phát triển du lịch với Tập đoàn Sun Group; Hàng không Việt Nam Airline.
Phương Nhi