Từ năm 1306, sau cuộc hôn phối giữa công chúa Huyền Trân (nhà Trần) với vua Chăm là Chế Mân, vùng đất Châu Ô, Châu Lý (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Bắc Quảng Nam ngày nay) đã thuộc về Đại Việt và được lấy tên là Thuận Hóa. Năm 1636 phủ Chúa Nguyễn đặt ở Kim Long (Huế), tới năm 1687 dời về Phú Xuân - thành Nội Huế ngày nay. Gần 200 năm, Phú Xuân là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ “Đàng Trong”. Từ năm 1788 đến 1801, Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn và từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hóa có giá trị mà tiêu biểu là kinh thành Huế, đặc biệt là khu Đại Nội (có 253 công trình), 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén.
Bên bờ Bắc của con sông Hương, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của nhà Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành, lồng vào nhau và được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...
Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất là Ngọ môn (thường được lấy làm biểu tượng của cố đô), chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia. Những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ tài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung...
Xa xa về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương là lăng tẩm của các vua Nguyễn với một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Bên cạnh quần thể di tích cố đô Huế, Huế còn có nhiều danh lam thắng cảnh như: sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Bạch Mã, Lăng Cô, Thuận An...
Với các giá trị tiêu biểu về kiến trúc văn hóa gắn với quá trình lịch sử, quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới tháng 12/1993.
Thu Thảo