Diễn đàn KOPIST được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan du lịch là các đối tác của Hàn Quốc. Năm nay diễn đàn diễn ra với chủ đề “Phục hồi du lịch và sự tăng trưởng bền vững của du lịch” trong đó bao gồm các bài phát biểu, bài thuyết trình và thảo luận của các nhà lãnh đạo du lịch toàn cầu để xem xét chính sách COVID-19 và các chiến lược du lịch cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Chia sẻ tại diễn đàn về quá trình phục hồi du lịch trên toàn cầu, Giáo sư David Beirman, Đại học Công nghệ Sydney cho rằng, trước COVID-19 du lịch tăng trưởng nhanh chóng, ngày càng dễ tiếp cận với chi phí tốt hơn cho du khách, đồng thời du lịch còn tạo ra nhiều việc làm với nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, du lịch quốc tế đã bị hạn chế đi lại giữa các quốc gia, gây tổn thất nặng nề đến du khách và doanh nghiệp du lịch, khiến hàng trăm triệu việc làm bị mất đi trong hai năm 2020-2021, điều đó cũng đẩy mức giá của du lịch quốc tế trở nên đắt đỏ hơn và tuỳ thuộc vào mức sống của khách…
Về bài học từ việc phục hồi du lịch qua COVID-19, Giáo sư David Beirman chia sẻ, các quốc gia phải có kế hoạch đối với các thị trường thay thế khi thị trường chính sụt giảm, đặc biệt là Trung Quốc với các thị trường châu Á Thái Bình Dương, ngoài ra cần duy trì hình ảnh online và ứng dụng công nghệ thông tin.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, Việt Nam đã thí điểm kế hoạch mở cửa lại du lịch quốc tế vào tháng 11 năm ngoái và mở cửa lại du lịch hoàn toàn vào giữa tháng 3/2022. Tại thời điểm này, chính sách du lịch được áp dụng gần giống như trước đại dịch, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam không phải xuất trình bất kỳ bằng chứng nào về việc đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm COVID-19.
Sau khi mở cửa trở lại, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đã đạt mức cao nhất là 136 nghìn người, con số này tăng gấp đôi so với tháng 4. Về du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2022 con số đã lên tới 49 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch.
Để khống chế thành công đại dịch COVID-19 và tái khởi động ngành du lịch, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách linh hoạt, thích ứng và đồng bộ nhằm thúc đẩy mở lại biên giới và khuyến khích sự tham gia chủ động của các cấp. Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, ngành du lịch Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác quảng bá, tiếp thị du lịch, trong đó thực hiện thành công chiến dịch quốc gia “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam” và tổ chức các sự kiện lớn tại nhiều điểm đến. Chiến dịch đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của tất cả chính quyền địa phương và các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng.
Trong thời gian đầu mở cửa trở lại, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã cử các đoàn công tác đến nhiều địa phương nhằm đánh giá tình hình phục hồi, từ đó có những chính sách ứng phó phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2022” tại tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến xanh”, sự kiện chứng tỏ cam kết của Việt Nam trong việc phát triển ngành du lịch an toàn và lành mạnh hơn sau COVID -19.
Đặc biệt, du lịch Việt Nam đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận sự đổi mới và thúc đẩy thương mại điện tử, nhằm cải thiện trải nghiệm du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành.
“Ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi và chuyển đổi thành một ngành có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Trong giai đoạn phục hồi tiếp theo, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi là sản phẩm chất lượng, khôi phục lực lượng lao động du lịch có tay nghề cao, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng, và quan trọng nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của điểm đến”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ.
Thảo Anh