Vài nét về dân tộc Lô Lô
Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn, gồm hai nhóm: Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen, cư trú chủ yếu tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng). Tiếng nói của người Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.
Ở Cao Bằng, người Lô Lô có trên 2.373 người, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô tại Việt Nam. Người Lô Lô cư trú khá tập trung, mỗi làng từ 20 - 25 nóc nhà. Nhà cửa được sắp xếp theo một trật tự, đó là dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng nên tương đối thoáng mát. Cũng giống như người Tày, Nùng, kiến trúc nhà của người Lô Lô là nhà gỗ hoặc nhà đất có 3 gian và không có chái, gian chính để thờ tổ tiên và tiếp khách. Nhà được làm bằng gỗ dựa trên các kèo gỗ từ 3 - 5 hàng chân, những vỉ kèo được liên kết với nhau bằng những đòn tay ngang dọc. Gian giữa có nóc gọi là xà đốc, khi dựng xà đốc họ thường xem ngày lành tháng tốt để gia đình đầm ấm, làm ăn phát đạt. Nhìn từ ngoài vào, nhà của người Lô Lô có vẻ không khác mấy so với nhà của người Mông nhưng khi quan sát cách thức bố trí, sử dụng không gian trong nhà thì mới thấy sự khác biệt. Đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên, đặt sát vách, được làm bằng những miếng gỗ hoặc mo tre vẽ mặt hình nhân, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Đây có lẽ cũng là nét độc đáo riêng có ở dân tộc này.
Đa số bà con Lô Lô sinh sống ở lưng chừng núi, đất canh tác phần nhiều là đất dốc nên việc phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Cây trồng chính là lúa, ngô, khoai, sắn và một số loại rau củ phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng. Bên cạnh việc trồng trọt thì chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là một phần để tăng thêm thu nhập cho gia đình và phục vụ sinh hoạt cuộc sống. Trước đây, người dân chỉ trồng lúa nương thì hiện nay đã khai thác đất thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước.
Cho đến nay, người Lô Lô ở Bảo Lạc vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện trên nhiều phương diện, từ đời sống vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại...) đến đời sống tinh thần (các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội truyền thống...). Ngoài thời gian lao động sản xuất, những lúc nông nhàn họ thường quây quần thêu thùa, dệt vải. Họ cũng có những hoạt động văn hóa, văn nghệ rất đặc sắc như: hát, múa, đánh trống đồng... Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội..., các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Lô Lô nói riêng ít nhiều cũng chịu sự ảnh hưởng.
Để Khuổi Khon trở thành điểm đến du lịch cộng đồng
Xóm Khuổi Khon có 59 hộ, 297 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Lô Lô, cách UBND xã Kim Cúc khoảng 8km, cách trung tâm huyện Bảo lạc khoảng16km. Khuổi Khon nằm trên tuyến du lịch Đông Bắc, là điểm kết nối thuận lợi cho việc hình thành các chương trình du lịch từ Bảo Lạc đến các điểm du lịch như thác Bản Giốc, di tích Pắc Bó, khu bảo tồn thiên nhiên Phja Oac, khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo… và với các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn; phù hợp cho việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lịch sử và sinh thái.
Khi chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, Cao Bằng đón từ 1,2 - 1,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, khoảng 150.000 lượt khách quốc tế. Tại xóm Khuổi Khon nơi có tộc người Lô Lô sinh sống, lượng khách du lịch nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm không ngừng tăng lên, đặc biệt là du khách đến từ Pháp.
Với những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc và cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, xóm Khuổi Khon đang và sẽ là điểm dừng chân phù hợp cho du khách muốn tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng.
Thiết kế sản phẩm, dịch vụ du lịch tại xóm Khuổi Khon trong mối liên kết tuyến du lịch từ thành phố Cao Bằng đến huyện Bảo Lạc, mở rộng sang các tỉnh bạn; khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô vào hoạt động du lịch cộng đồng, tạo môi trường du lịch hấp dẫn gắn với văn hóa ứng xử thân thiện và mến khách của người dân tại xóm Khuổi Khon.
Kết hợp tổ chức giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch xóm Khuổi Khon tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để thu hút sự quan tâm của các công ty lữ hành xây dựng các tour tham quan bản dân tộc Lô Lô tại xóm Khuổi Khon; tích cực quảng bá thông tin, hình ảnh cộng đồng dân tộc Lô Lô Đen xóm Khuổi Khon trên các phương tiện truyền thông như báo điện tử, các trang website của tỉnh, các ấn phẩm tranh ảnh, tập gấp giới thiệu về văn hóa dân tộc Lô Lô đến du khách trong và ngoài nước.
Hỗ trợ nhân dân trong bản tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn làm du lịch cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân Khuổi Khon về phát triển du lịch, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên…
Khai thác tiềm năng cảnh quan cũng như các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon vào hoạt động du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi đáng kể về văn hóa, kinh tế, xã hội; là đòn bẩy nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc của địa phương trong việc sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, giới thiệu quảng bá giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Hy vọng trong tương lai không xa, bản Khuổi Khon sẽ trở thành một điểm đến yêu thích của khách du lịch muốn trải nghiệm về văn hóa cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012
2. Người Lô Lô ở Việt Nam, Nxb Thông Tấn, 2014
3. Nguyễn Thanh Loan, Phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam, Nxb Thể thao và du lịch, 2020.
4. Số 220/BC- SVHTTDL, ngày 30/10/2020, Báo cáo tình hình phátt riển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
ThS. Nguyễn Văn Tiến
(Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)