Xung đột giữa cư dân và các bên liên quan trong du lịch cộng đồng
Các bên liên quan quan trọng nhất tại mỗi điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) gồm cư dân địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương. Trong đó, cư dân địa phương được xem là trung tâm, quyết định sự phát triển bền vững của điểm đến. Cư dân địa phương là người sở hữu, vận hành, quản lý và thụ hưởng lợi ích quan trọng thu được từ hoạt động DLCĐ. Khách du lịch cũng là nhóm rất quan trọng, đóng vai trò quyết định đến sự tăng trưởng bền vững của điểm đến, quyết định xu thế, tính chất của các mô hình, sản phẩm du lịch. Khách du lịch mang đến nguồn lực kinh tế cho địa phương, đổi lại họ mong đợi từ điểm đến những trải nghiệm đáng nhớ tại cộng đồng. Doanh nghiệp du lịch là cầu nối giữa khách du lịch với cộng đồng, giữ vai trò môi giới trung gian để bán các sản phẩm dịch vụ du lịch cho khách. Họ cũng là người đầu tư/ tham gia đầu tư để tạo ra một số sản phẩm du lịch tại điểm đến, sử dụng lao động địa phương, mua nông sản, hàng hóa của địa phương để bán cho du khách, góp phần tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương. Chính quyền địa phương cung cấp hành lang pháp lý, các điều kiện pháp lý để hoạt động DLCĐ có thể diễn ra, đóng vai trò trung gian giữa các doanh nghiệp, công ty du lịch với cộng đồng địa phương.
Với doanh nghiệp du lịch, cư dân thường bất đồng trong vấn đề chia sẻ doanh thu từ du lịch. Nhiều cư dân cho rằng lợi ích kinh tế du lịch chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp, còn cư dân nhận được rất ít thậm chí là không nhận được lợi ích nào. Tương tự, với chính quyền địa phương, người dân cho rằng những người quản lý đã bắt tay với các công ty du lịch sử dụng tài sản của địa phương nhưng không chia sẻ lợi ích với họ. Trong nhiều trường hợp, để duy trì sức hấp dẫn của điểm đến, chính quyền không cho phép người dân địa phương bán hàng tại điểm đến, làm mất cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh của người dân. Ngoài ra, nguồn lực và không gian sống của cư dân bị chiếm dụng bởi các bên liên quan mới đến, môi trường cảnh quan tự nhiên bị suy thoái vì các dự án du lịch tại cộng đồng.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, có nơi người dân địa phương đóng cổng không cho phép khách du lịch vào làng của họ, phong tỏa giao thông, biểu tình trước cổng doanh nghiệp… Như vậy, xung đột có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến, làm suy thoái tài nguyên, làm suy yếu sinh kế và phá hủy cộng đồng. Do vậy, cần thực hiện các chiến lược quản lý và giải quyết xung đột để hạn chế sự suy giảm giá trị, khuyến khích hợp tác, tích hợp nguồn lực và hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Từ lý thuyết trao đổi xã hội và lý thuyết trao đổi xã hội mở rộng, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra thái độ và hành vi của cư dân địa phương đối với du lịch chịu sự tác động rõ ràng của các yếu tố: lợi ích cảm nhận (perceived benefit), chi phí cảm nhận (perceived cost) và sự tham gia của cư dân (community involvement) (Gan, 2020; Nugroho & Numata, 2020). Các học giả khẳng định, trong các mối quan hệ, nếu người dân càng cảm nhận được nhiều lợi ích, thì họ sẽ có thái độ ủng hộ, hỗ trợ du lịch và các bên liên quan. Ngược lại, những cảm nhận tiêu cực của người dân sẽ khiến họ có thái độ, hành vi chống đối. Vì vậy, rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tối đa hóa sự tham gia của cư dân trong hoạt động du lịch là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế xung đột giữa các bên liên quan.
Từ cơ sở lý luận trên, tác giả đã xây dựng được mô hình lý thuyết về xung đột giữa cư dân và các bên liên quan. Nghiên cứu được khảo sát tại các điểm đến du lịch cộng đồng khu vực miền núi Thanh Hóa. Kết quả đã chứng minh được mối quan hệ giữa các yếu tố: sự tham gia du lịch, lợi ích và tổn hại mà cư dân cảm nhận về du lịch với sự xung đột giữa cư dân và các bên liên quan.
Vai trò của lợi ích cảm nhận và chi phí cảm nhận
Cảm nhận của cư dân về lợi ích và tổn hại từ du lịch có tác động mạnh mẽ đến sự xung đột giữa cư dân và các bên liên quan. Cư dân cảm nhận được càng nhiều lợi ích thì càng ít có thái độ, hành vi xung đột với du khách và doanh nghiệp du lịch. Ngược lại, nếu họ nhận thấy mất nhiều hơn được, họ có xu hướng càng chống đối các nhóm còn lại. Lợi ích cảm nhận và chi phí cảm nhận còn có vai trò trung gian giữa sự tham gia của cư dân và sự xung đột giữa các bên liên quan. Để hạn chế xung đột giữa các nhóm, các nhà quản lý nên tập trung vào các hoạt động làm tăng lợi ích cảm nhận của cư dân sở tại về ngành kinh tế du lịch, cần khiến các nhóm nhìn nhận được giá trị của nhau. Để làm được điều này, các nhóm có thể cùng thảo luận để hiểu rõ mong muốn của bên kia và đưa ra một thỏa hiệp cùng có lợi. Các bên liên quan cũng có thể nhờ bên thứ ba làm trung gian tìm hiểu những mong muốn, sự quan tâm của các bên, từ đó đưa ra những đề xuất cho sự hợp tác có lợi cho cả hai bên (Rubin, 1994). Doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương là các trung gian tốt nhất có thể thực hiện nhiệm vụ kết nối và tạo điều kiện để các bên nâng cao hiểu biết lẫn nhau, nhận thức tích cực về nhau, tạo nên sự đồng thuận giữa các nhóm, từ đó tạo ra sự hợp tác và hình thành các liên minh trong tương lai.
Cư dân thường bất đồng với chính quyền địa phương về sự chồng chéo, sự thiếu minh bạch trong quản lý và các thủ tục hành chính rườm rà. Để hạn chế xung đột, các địa phương cần xây dựng cấu trúc quyền lực phù hợp, quy định rõ ràng quyền lực của các cấp chính quyền; thông tin cần phải minh bạch, rõ ràng; luôn phải xác định chất lượng cuộc sống của cộng đồng chính là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu, luôn phải đặt lợi ích của cộng đồng, của người dân lên trên hết.
Cư dân với doanh nghiệp du lịch cần ngồi lại với nhau và thống nhất một cơ chế rõ ràng về việc hợp tác và chia sẻ doanh thu. Cộng đồng sẽ duy trì cảnh quan tự nhiên như cảnh quan nông nghiệp, nghề truyền thống, lối sống văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo nên hình ảnh đẹp của điểm đến để thu hút du khách. Ngược lại, doanh nghiệp kiếm lời nhờ vào những giá trị văn hóa của cộng đồng phải chấp nhận chia sẻ lợi ích, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo tồn văn hóa, lễ hội của địa phương, phục dựng các di tích lịch sử, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên…
Sự tham gia của cư dân là yếu tố cốt lõi
Sự tham gia của cư dân địa phương là yếu tố cốt lõi của loại hình DLCĐ (Tosun, 2006), là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi điểm đến. Sự tham gia của cư dân có tác động trực tiếp, nghịch chiều với xung đột giữa cư dân và doanh nghiệp du lịch. Nó cũng ảnh hưởng tới nhận thức của cư dân (lợi ích cảm nhận và chi phí cảm nhận), qua đó tác động gián tiếp tới xung đột giữa cư dân và doanh nghiệp du lịch. Đối với du khách, tuy không có tác động trực tiếp, nhưng sự tham gia có thể tác động tới nhận thức tích cực của cư dân, qua đó làm giảm xung đột giữa cư dân và khách du lịch. Do vậy, để hạn chế xung đột giữa cư dân và hai nhóm này, giải pháp khuyến khích cư dân tham gia du lịch cũng rất quan trọng. Khi cư dân tham gia du lịch (dù trực tiếp hay gián tiếp), họ có nhiều cơ hội nhận được các lợi ích xứng đáng. Điều này còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, đặc biệt là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia của nhiều bên. Trong quá trình tương tác, sự bất đồng, căng thẳng, xung đột giữa các bên là điều không thể tránh khỏi. Những xung đột này có thể mới chỉ dừng lại ở dạng tiềm ẩn hoặc đã bùng nổ với các hành vi cụ thể. Để giải quyết xung đột, nhà quản lý cần cân nhắc các hành động nhằm tác động tới các yếu tố: sự tham gia của cư dân trong du lịch, cảm nhận của cư dân về lợi ích và tổn hại của du lịch.
Dương Thị Hiền
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)