Chính thức thành lập vào năm 2004, KBT ĐNN Láng Sen là một trong số ít những sinh cảnh tự nhiên còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, với gần 300 loài sinh vật đa dạng. Sinh cảnh ĐNN Láng Sen cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ sinh thái, như nước ngọt và nguồn lợi thủy sản, cho hơn 9.000 người dân trong khu vực.
Những năm gần đây, các biến đổi nhanh chóng về yếu tố khí hậu như nhiệt độ và lượng mưa, cũng như về chế độ thủy văn của sông Cửu Long, đã làm xuống cấp nghiêm trọng cảnh quan rừng tại đây, gây thêm sức ép lên hệ sinh thái vốn là nguồn cung cấp thu nhập quan trọng của cộng đồng địa phương.
Do vậy, WWF và Intel Việt Nam hợp tác xây dựng dự án khôi phục rừng bị suy thoái, nhằm bảo tồn sinh cảnh cho các loài hoang dã và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào hệ sinh thái của khu vực.
Dự án cũng đặt mục tiêu hỗ trợ khắc phục vấn đề khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhờ vào chức năng sinh thái của rừng với khả năng lưu trữ nước lũ trong mùa mưa và điều tiết ra khu vực xung quanh và bổ sung vào mạch nước ngầm trong mùa khô.
Trong giai đoạn khởi động dự án trồng rừng, WWF và Intel đã huy động 400 tình nguyện viên (bao gồm nhân viên của Intel và TRG International) để hỗ trợ mục tiêu trồng hơn 12,000 cây bản địa ĐNN tại KBT trong năm 2016.
Trong một hoạt động khác, các tình nguyện viên cùng giao lưu với học sinh xã Tân Hưng, Long An, để nâng cao nhận thức và khuyến khích các em thực hành tái sử dụng chai nhựa và giúp bảo vệ môi trường.
Bà Trịnh Thị Long – Điều phối viên chương trình nước ngọt, WWF-Việt Nam cho biết, Vùng Đồng Tháp Mười, bao gồm khu đất ngập nước Láng Sen, không chỉ đóng vai trò quan trọng về môi trường đối với thiên nhiên hoang dã của ĐBSCL, mà còn cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho cuộc sống của người dân địa phương. Phục hồi sinh cảnh vùng đất ngập nước Láng Sen vượt xa việc bảo tồn các loài hoang dã của khu vực, và mang đến cho cộng đồng địa phương những cơ hội sinh kế tốt hơn.
Hiện nay, không quá 1% sinh cảnh đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười còn nguyên vẹn. Hệ luỵ suy thoái của hệ sinh thái làm suy yếu nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng địa phương và khả năng chống lại tác động biến đổi khí hậu của khu vực. Để thay đổi hiện trạng này, WWF xây dựng và triển khai chương trình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái cho vùng Đồng Tháp Mười từ năm 2007.
Từ năm 2010, WWF bắt đầu làm việc tại Láng Sen trong công tác cải thiện quản lý nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học và thiết lập hệ thống giám sát sự phục hồi của môi trường sống tự nhiên. Góp phần đáng kể vào kế hoạch chiến lược của WWF, vùng rừng được khôi phục trong dự án hợp tác WWF - Intel sẽ bồi đắp nền tảng vững chắc cho các hoạt động bảo tồn đất ngập nước tại Láng Sen phát triển xa hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
“Hoạt động này là cơ hội để Intel và nhân viên công ty tham gia vào một dự án ý nghĩa cùng với WWF, trực tiếp góp phần cải thiện sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương, và đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân viên về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái, và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở quy mô cộng đồng”, bà Hồ Uyên – Giám đốc Đối ngoại, Intel Products Việt Nam chia sẻ. Trong thời gian tới, Intel sẽ khuyến khích và kêu gọi nhân viên công ty tiếp tục tích cực nỗ lực cùng đóng góp, xây dựng những cộng đồng vững vàng hơn trước các thách thức của biến đổi khí hậu.
PV