Phục hồi di tích nghè Đằng Đông: Góp phần xây dựng nền văn hóa tương lai đậm đà bản sắc dân tộc
“Tôn tạo, xây dựng lại nghè Đằng Đông phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội, kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp liên quan được tạo nên trong lịch sử là một việc cần làm và có giá trị trong việc giữ bản sắc, góp phần xây dựng nền văn hóa tương lai tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Nhà khảo cổ học, TS. Lê Đình Phụng nhìn nhận.
Hội thảo khoa học về giá trị lịch sử - văn hóa nghè Đằng Đông nhằm phục vụ định hướng, quy hoạch di tích vừa được Đảng ủy, UBND phường Thạch Bàn phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu, khoa học.
Nghè Đằng Đông là nơi diễn xướng nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi - di sản đã được UNESCO ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Căn cứ từ tư liệu ghi lại, xưa kia, đền Trấn Vũ vốn thuộc làng Ngọc Trì, gồm 3 ấp: ấp Đông Thượng thờ Quang Hiển Đào đại vương, ấp Đằng Đông thờ Linh Huệ đại vương, ấp Đằng Đường thờ Minh Thông Tả đại vương. Ba vị đại vương được thờ tại các Nghè (miếu). Qua thời gian, đều đã bị phá hủy, hiện chỉ còn dấu tích nghè Đằng Đông.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều ghi nhận sự hình thành, tồn tại của ngôi nghè Đằng Đông thuộc thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh, tổng Cự Linh, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tổ 7, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) và vai trò của nghè Đằng Đông trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương; vị thế địa-văn hóa của làng Ngọc Trì nói chung, vị trí chiến lược cách mạng của nghè Đằng Đông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Từ đó khẳng định sự cần thiết phải phục hồi di tích tích nghè Đằng Đông trong điều kiện hiện nay.
Ở lĩnh vực nghiên cứu địa-văn hóa lịch sử, Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan đã phân tích nghè Đàng Đông trong bối cảnh làng Ngọc trì trong quá khứ. Cụ thể, nghè Đằng Đông nằm trong hệ thống các kiến trúc tín ngưỡng của xã Cự Linh, một vùng đất có vị thế địa-chiến lược và địa-văn hóa quan trọng, nằm trên trục đường và là đầu mối giao thông thiết yếu ngay trên bờ và đất tả ngạn Sông Cái (sông Phù Lương, sông Nhĩ Hà, sông Hồng Hà) ở mạn Đông kinh thành Thăng Long; đón và đưa các luồng giao thương, hành hương, quân đoàn và các sứ bộ ngoại giao... từ các ngả biên cương phía Bắc, duyên hải mạn đông, đến kinh đô và từ kinh đô đi tới. Nghè Đằng Đông cũng có mặt trong hầu hết các sự kiện và thành tích ở thời gian kháng chiến, cứu nước.
Nhà nghiên cứu dẫn chứng, từ cuối thế kỷ 19, khuôn viên nghè Đằng Đông đã là nơi luyện tập của nghĩa quân trong phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghè Đằng Đông cũng chính là nơi hội họp của những người yêu nước ở địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các hoạt động chiến tranh du kích đều liên quan hoặc diễn ra ở nghè Đằng Đông, hầm bí mật được đào ngay dưới bệ thờ. Thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1966-1970, nghè Đằng Đông là nơi đặt chỉ huy sở của Trung đoàn pháo cao xạ 220. Đài quan sát cao hơn 10m đặt ngay ở hậu cung của nghè. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, dân quân tự vệ Ngọc Trì cũng đặt súng máy tại khuôn viên nghè để đánh địch. “Như vậy, nghè Đằng Đông không chỉ đủ tiêu chuẩn để xếp hạng di tích cách mạng kháng chiến mà còn là căn cốt di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương”- GS Lê Văn Lan khẳng định.
Từ những nghiên cứu của mình, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết, nghè Đằng Đông bị phá hủy trong thời gian gần đây (1964-1965), vì vậy ký ức về nghè vẫn ở trong tâm thức người dân địa phương. Đó là một trong những yếu tố thuận lợi để phục dựng di tích.
Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, cần thiết phải phục hồi di tích nghè Đằng Đông bởi đây là công trình kiến trúc mang di sản văn hóa dân dã, một sản phẩm của lịch sử gắn với quá trình phát triển, phản ánh trung thực bộ mặt xã hội nông thôn thủa trước. Theo thống kê từ những sắc phong của triều đình nhà Lê, nhà Nguyễn, duệ hiệu của Linh Huệ đại vương có đến 51 mỹ tự. Thông thường, các vị thần khác chỉ có 4-6 mỹ tự, điều đó cho thấy công trạng với dân với nước của Ngài là rất lớn. Tuy nhiên, trải qua thời gian, sự tích lai lịch của Ngài đều đã thất lạc.
Tuy nhiên, theo ông Biền, việc phục dựng di tích là cần thiết nhưng cần phải tính đến các yếu tố: cách làm, phương thức làm để giữ được thần thái văn hóa truyền thống, bảo tồn giá trị biểu tượng tâm linh, không mắc phải sai lầm đã xảy ra nhiều lần trong quá trình tôn tạo các di tích ở nước ta hiện nay. “Tôn tạo thế nào, theo chuẩn tối thiểu ra sao, để vẫn đạt được một số điều cơ bản chứa đựng cái thần thái văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ có thể từ nghè Hải Triều (Cẩm Giàng, Hải Dương) - kiến trúc tôn tạo này phải đạt được yêu cầu tối thiểu về bố cục kết cấu mặt bằng và mặt đứng; nhất là ở giá trị biểu tượng đậm chất tâm linh như vốn có ở các công trình tín ngưỡng dân tộc” – GS. Trần Lâm Biền nêu ý kiến.
Liên quan đến băn khoăn này, TS. Nguyễn Đức Nhuệ nêu, do chiến tranh, đồ thờ và sắc phong của ba nghè đều được đưa về thờ chung ở đền Trấn Vũ. Một số nhà dân ở phường Thạch Bàn vẫn đang cất giữ nhiều bộ phận kiến trúc và hiện vật của nghè Đằng Đông như cửa hậu cung, chân cột, tượng chó đá... “Dựa trên những gì chúng ta thấy ở thực địa và trong ký ức người dân Ngọc Trì, các nhà khoa học có thể dựng được đầy đủ nền móng, quy mô, dạng thức kiến trúc của nghè. Đó là kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm 5 gian nhà tiền tế, 3 gian hậu cung. Đó là những điều kiện và cơ sở thuận lợi để có thể dễ dàng tiến hành phục hồi nguyên trạng nghè Đằng Đông” - TS. Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định.
Ở góc độ nghiên cứu về dân tộc học, PGS.TS. Bùi Xuân Đính cho rằng, hồn của làng chính là ý thức của cộng đồng người dân về các giá trị chung của làng, các di tích lịch sử, văn hóa, ngoài ra còn là tâm thức về lãnh thổ, tục lệ, lễ hội. Ngày nay, nông thôn nước ta đang chuyển biến mạnh mẽ trên con đường đô thị hóa. Thực tế là dù dấu tích làng xưa đã thay đổi nhưng hồn của làng thì vẫn còn đó. “Hồn của làng còn thể hiện ở quan niệm tâm linh về những vị thần bảo hộ, những nghi lễ, việc làng mà các gia đình được phân công thực hiện hàng năm. Tôi cho rằng các di tích, nơi thờ tự chính là cầu nối tâm linh gắn kết người dân. Phục dựng di tích chính là giữ hồn làng cho những địa phương đã bị đô thị hóa” – TS. Bùi Xuân Đính chia sẻ.
TS. Bùi Thế Quân, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên (Hà Nội) khẳng định, sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa để chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền đề nghị phục hồi di tích nghè Đằng Đông đúng với Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan. Đồng thời việc khôi phục và phát huy giá trị di tích nghè Đằng Đông là nguyện vọng chính đáng, thiết thực của quần chúng nhân dân và cũng rất phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Đoàn Hoa