Bày tỏ vui mừng vì chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng coi đây là sự khích lệ đối với cá nhân khi đảm đương cương vị Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Đánh giá mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước nói chung và trong các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch nói riêng là mối quan hệ lâu dài, hợp tác toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTTDL luôn coi việc hợp tác giữa các lĩnh vực của Bộ với Pháp là việc hiện thực đường lối phát triển của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Pháp diễn ra tốt đẹp. Năm 2009, hai nước ký Hiệp định về các Trung tâm văn hóa, có hiệu lực từ ngày 1/10/2013. Trên cơ sở đó, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã khẳng định vị trí pháp lý tại nước sở tại và đang phát huy tích cực vai trò cầu nối văn hóa với nhiều hoạt động quảng bá đất nước và con người của hai nước.
Năm 2013-2014, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Chính phủ hai nước đã phối hợp tổ chức Năm giao lưu Pháp - Việt với hàng trăm hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú trên khắp các địa phương ở cả hai nước, gồm nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật như: biểu diễn, hòa nhạc, tuần phim, triển lãm, kiến trúc, thời trang...
Các hoạt động song phương cũng diễn ra sôi nổi. Việt Nam đã cử các đoàn tham gia tích cực tại các liên hoan nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Pháp như: Festival Văn hóa dân gian thế giới IGF; Hội chợ Du lịch và Âm thực quốc tế Dijon 2017; Liên hoan phim quốc tế Cannes 2017 với gian hàng quảng bá phim Việt Nam và ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan điện ảnh quốc gia của hai nước.
Năm 2019, tham gia sự kiện Ngày lễ hội thành phố Choisy-le-Roi; Hội chợ quốc tế Metz; Tuần Pháp ngữ tại Yebles; Hội chợ quốc tế Montpellier... Phía Pháp tích cực tham gia các hoạt động tổ chức tại Việt Nam như: Festival Huế, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim châu Âu, Liên hoan Âm nhạc châu Âu, Liên hoan múa rối quốc tế.…
Trong lĩnh vực di sản văn hóa, thành phố Hà Nội hợp tác với thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) trong các dự án bảo tồn phố cổ Hà Nội từ năm 1996 đến năm 2014 đã tu bổ nhiều ngôi nhà cổ, phố cổ ở phố Mã Mây, Tạ Hiện, Đào Duy Từ...
Về du lịch: nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp đã ký Hợp tác trong lĩnh vực du lịch tháng 3/2018.
Pháp là một trong 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Du lịch Việt Nam. Từ ngày 1/7/2015, Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách thí điểm miễn thị thực cho công dân 05 nước Tây Âu, trong đó có Pháp nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày. Xét về hiệu quả của chính sách này, Chính phủ gia hạn hiệu lực đến 30/6/2018 và tiếp tục gia hạn đến 30/6/2021. Bên cạnh đó, ta đang thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cho công dân 40 nước trong đó có Pháp. Theo đó, một số năm gần đây, số lượng khách du lịch Pháp đến Việt Nam luôn đạt mức cao, năm 2018 Việt Nam đón 279.659 lượt khách Pháp, tăng 9,5% so với năm 2017. Năm 2019, Việt Nam đón 287.655 lượt khách Pháp.
Đánh giá sự khăng khít bền chặt giữa 2 nước những năm qua, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery bày tỏ mong muốn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên, nhất là trên các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sẽ tiếp tục bền chặt hơn, mang lại nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn qua buổi gặp gỡ này sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đồng thời, sẽ giúp cho quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL có bước phát triển mới, thiết thực và hiệu quả hơn.
Việt Hùng