Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Phú Thọ đón trung bình 7,5 - 8 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về tham quan, thực hành tín ngưỡng và trải nghiệm, thưởng thức văn hóa, di sản, trong đó các điểm di tích thường xuyên đón khách du lịch như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đền mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đền Tam Giang, Thiên Cổ Miếu… Các điểm di tích này nằm trong các tour: city tour Việt Trì, tour hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, tour du lịch đường sông, tour liên kết Sài Gòn - Phú Thọ - Sapa, tour Hà Nội - Phú Thọ liên vùng Đông Tây Bắc… Trong những tour này không thể thiếu chương trình trải nghiệm, thưởng thức Di sản Văn hóa hát xoan Phú Thọ.
Phú Thọ có nguồn tài nguyên về ẩm thực phong phú, đặc sắc như: cá lăng Việt Trì, gà đồi, gà 9 cựa, dê, thịt chua Thanh Sơn, bưởi Đoan Hùng, hồng Gia Thanh, chuối phấn, bánh làng Dòng, chè xanh, rượu Hùng Vương…, đặc biệt là bánh chưng bánh giày gắn với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu dâng thứ bánh tượng trưng cho trời tròn đất vuông, được vua cha chọn làm người kế vị trở thành vua Hùng Vương thứ 7 - Hùng Chiêu Vương. Truyền thuyết về sự tích bánh chưng bánh giày là nét đẹp văn hóa của dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt và cần được giới thiệu rộng rãi đến du khách quốc tế.
Với tấm lòng tôn kính, ghi ơn công đức của Lang Liêu, nhân dân làng Dữu Lâu đã lập miếu thờ ngài, hàng năm mở hội tổ chức các trò chơi dân gian như đánh lốc, hát xoan, rước kiệu… Trải qua thời gian, hiện tại ngôi miếu không còn nữa, bài vị của ngài được rước về thờ tại đình làng Dữu Lâu.
Dữu Lâu xưa kia còn có tên gọi làng Trầu. Vùng đất này nằm trong kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, là một ngôi làng cổ nên còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Tên gọi làng Trầu là vì xưa kia nơi đây là cánh đồng trầu mênh mông bát ngát của nhà vua, tục ăn trầu trong dân gian còn lưu giữ đến ngày nay. Đất Dữu Lâu có làng Hương Trầm là nơi trồng được giống lúa nếp thơm nổi tiếng, làm ra bánh chưng, bánh giày dâng vua. Chợ Dầu nằm bên sông Lô, xưa kia là nơi giao thương tấp nập của cư dân kinh đô Văn Lang, của ngon vật lạ được bán cho các vương hầu, công chúa, lá trầu cũng được chở đi khắp vùng lân cận.
Từ những giá trị văn hóa quý báu, đặc sắc còn lưu giữ trên vùng đất Dữu Lâu, đồng thời tạo điểm nhấn, sức hút về văn hóa nơi đây, rất cần thiết phải xây dựng ngôi đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương ngay trên chính nơi cụ đã sinh sống. Trong khuôn viên đền cần khôi phục lại vườn trầu của nhà vua, cánh đồng lúa nếp Hương Trầm, khôi phục lễ hội hàng năm, trò chơi đánh lốc, rước kiệu, tổ chức thi gói bánh chưng - giã bánh giày để giúp du khách có thêm trải nghiệm trong các tour về thăm đất Tổ.
ThS. Phùng Thị Hoa Lê