Danh lam thắng cảnh
Đắk Nông nằm ở độ cao trung bình 600 - 800m so với mặt biển, địa hình đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa thung lũng, cao nguyên và núi cao. Vùng đất này có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên độc đáo với các thắng cảnh hùng vĩ như: thác Đắk G’lun, Đray Sáp, Gia Long… và Vườn quốc gia Tà Đùng rộng lớn đã hình thành nên quần thể du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm kết hợp du lịch sông nước trên mảnh đất cao nguyên.
Vườn quốc gia Tà Đùng
Vườn quốc gia Tà Đùng có diện tích 21.307ha, nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ, có đỉnh núi cao nhất là 1.982m. Không chỉ là nơi có nhiều loài động, thực vật mà Vườn quốc gia Tà Đùng còn có vị trí địa lý đặc biệt, với cảnh quan, môi trường tươi đẹp. Tà Đùng nằm ở khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, có các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động đã tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.632ha mặt nước và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó, có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo. Nơi đây có các dòng suối như Đắk N’teng, Đắk Plao… chảy qua, tạo thành những ngọn thác hết sức hấp dẫn, kỳ bí như: thác Đắk Plao, thác 7 tầng… Với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa độc đáo, khu vực này đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như: vui chơi giải trí hồ - đảo; vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng; thể thao mạo hiểm; dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh; tín ngưỡng…
Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long
Nằm trên địa bàn huyện Krông Nô, với diện tích khoảng 1.655ha, cụm thác Đray Sáp - Gia Long hiện ra như một bức tranh thuỷ mặc, huyền bí và hoang sơ. Mỗi thác đều có dấu ấn riêng, gắn liền với sự hình thành tên gọi và vẻ đẹp của thác.
Thác Đray Sáp
Thác Đray Sáp là thác hạ nguồn trong hệ thống 3 thác Gia Long - Đray Nur - Đray Sáp của sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30km. Thác cao 20m, trải rộng khoảng 100m. Theo tiếng Ê Đê, Đray Sáp nghĩa là thác khói bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng ào ào tạo thành khối lớn, bụi nước bay là là như màu khói. Quanh năm suốt tháng cả một vùng vang vọng tiếng thác và ngập trong khói nước.
Thác Đray Sáp là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông chồng, sông vợ gặp nhau mà thành. Trong truyền thuyết của người dân nơi đây, tình yêu của đôi trai gái mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Thác Đray Sáp được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Thắng cảnh cấp quốc gia năm 1991.
Thác Gia Long (thác Đray Sáp thượng)
Nằm ở thượng nguồn của sông Sêrêpôk đoạn chạy qua tỉnh Đắk Nông nên thác Gia Long là ngọn thác hùng vỹ nhất trong hệ thống 3 thác: Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ. Tương truyền vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng. Cạnh thác là hồ tắm tiên rộng khoảng 80m2 và một hang động tự nhiên rất đẹp.
Thác Trinh Nữ
Thác Trinh Nữ không hùng vĩ như những ngọn thác khác ở Tây Nguyên, thay vào đó là những ghềnh nước được tạo thành từ vô số tảng đá lớn nhỏ, xếp ngang dọc muôn hình muôn vẻ dưới lòng sông Krông Nô - một nhánh của “dòng sông chảy ngược” Sêrêpốk. Vào mùa khô, dòng nước trong vắt uốn lượn qua những khe đá, chảy nhẹ nhàng như lời thì thầm của nàng thiếu nữ. Vào mùa mưa, dòng nước lớn chảy xiết lướt qua những ghềnh đá, tạo ra những âm thanh trầm bổng.
Công viên địa chất Đắk Nông
Công viên địa chất Đắk Nông thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa và được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô (thuộc công viên địa chất Đắk Nông) đã được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đ’ray Sáp và một phần phía Nam Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên địa chất Đắk Nông. Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, nghiên cứu trong nước và quốc tế, Công viên địa chất Đắk Nông đáp ứng được yêu cầu của UNESCO để trở thành công viên địa chất toàn cầu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 11 di tích, danh thắng; trong đó có 3 di tích cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 7 di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây được xem là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho đồng bào các dân tộc nơi đây và thu hút khách du lịch tham quan.
Ngục Đắk Mil
Ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng vào đầu năm 1940, thuộc địa bàn thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil để giam giữ, đày ải những người dân yêu nước và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhà ngục được thiết kế theo mô típ kiểu nhà dài (nhà sàn) của đồng bào Ê Đê gồm 9 gian bằng gỗ, mái lợp tranh là hàng rào gỗ được chèn chặt bằng dây thép gai, 4 góc của nhà ngục có chòi canh gác 24/24. Đây là di tích hiếm hoi còn lại tại Đắk Mil nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung thể hiện tính kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các bậc cha, anh đi trước. Không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng bảo vệ tổ quốc, di tích còn thể hiện tinh thần đoàn kết giữa nhân dân Kinh - Thượng trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
Di tích Lịch sử Cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV
Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV thuộc thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô. Tại đây, tháng 12/1960, Tỉnh ủy Quảng Đức được thành lập trực thuộc Liên Khu ủy V, dựa vào vùng căn cứ kháng chiến tại Nâm Nung gồm các buôn R’cập, Ja Ráh, Dốc Ju, Broah, Choaih, Fi Bri để lãnh đạo cách mạng. Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV trong kháng chiến giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói; đồng thời, cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam. Với những chiến tích lịch sử oai hùng đó, ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Di tích Lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là Di tích cấp quốc gia.
Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo
Khu di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo (gồm địa điểm đồn Buméra và đồn Bu Nor) nằm trên địa bàn xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2007/QĐ-BVHTTD ngày 27/8/2007. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang triển khai thực hiện dự án phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức. Di tích bao gồm các hạng mục như: các điểm chiến đấu, hầm hào, công sự, hậu cần bảo đảm lương thực; những trận địa chiến đấu và chiến thắng của phong trào N’Trang Lơng như: bon Bu Nơr, đồn Buméra, bia Henry Maitre. Đây cũng là những di tích tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, nơi ghi dấu ấn những chiến công hiển hách, hào hùng của dân tộc, phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của các dân tộc Tây Nguyên.
Lễ hội
Đắk Nông là vùng đất giao thoa, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng thể hiện qua các lễ hội gắn với đời sống tâm linh huyền bí như: sử thi, sinh hoạt cồng chiêng, các điệu múa dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục và cả luật tục duy trì sự ổn định của cộng đồng...
Lễ cúng lúa của người M’Nông
Đồng bào M’Nông có hệ thống lễ nghi rất đa dạng, mỗi nghi lễ mang một ý nghĩa riêng, trong đó, Lễ cúng mừng lúa được mùa thường thực hiện ngay sau vụ thu hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng cây trái xum xuê, mùa vụ no đủ. Lễ được tổ chức 3 lần trong năm, xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần Mẹ Lúa: lễ xuống lúa, lễ mừng cây lúa sắp trổ bông, lễ đón mừng hạt lúa trên rẫy sắp về nhà.
Lễ hội cơm mới
Các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng sau mùa thu hoạch sẽ tổ chức lễ ăn cơm mới. Đây là lễ hội đặc trưng của người M'Nông được tổ chức để tạ ơn thần lúa, mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong ruộng nương nhiều thóc lúa. Dân làng cúng thần Lúa bằng heo, gà… Lễ ăn cơm mới được tổ chức ở nhà trên nương rẫy hoặc nhà riêng ở bon. Đây là cơ hội để chủ nhà mời bà con, họ hàng, bạn bè các bon làng lân cận đến chung vui, nhà nào đông khách được coi là vinh dự lớn. Trong những ngày này, người dân ở đây thường đánh cồng chiêng, hát múa dân gian cho đến khi lễ hội kết thúc.
Làng nghề truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm
Dệt thổ cẩm là một nghề đã xuất hiện từ lâu đời, góp phần gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc tỉnh Đắk Nông; đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ và phát triển tại các xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, xã Đắk Sô (Krông Nô), xã Quảng Khê (Đắk Glong)… Các tấm vải thổ cẩm được dệt với nhiều họa tiết hoa văn phong phú thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc tại mảnh đất Tây Nguyên và nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây.
Nghề làm rượu cần
Đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rượu cần là một sản vật quý gắn liền với đời sống sinh hoạt, tâm linh, tuy nhiên, loại sản vật quý này đang dần mai một. Dù vậy, tại tỉnh Đắk Nông, nhiều gia đình đồng bào dân tộc M’Nông, dân tộc Mạ vẫn không quên “nghề” làm rượu cần. Nguyên liệu chủ yếu để làm ra loại rượu này là gạo và men. Đầu tiên lựa chọn loại gạo thơm ngon nhất, nấu chín để nguội, rồi trộn đều với men được chiết từ vỏ cây rừng thành một hỗn hợp rồi ủ. Trong các bước làm rượu cần, việc phơi chóe rất quan trọng vì nó tạo ra rượu cần ngọt và không bị chua. Rượu cần ngâm ít nhất khoảng hai tháng mới có thể sử dụng được. Thời gian ủ càng lâu thì rượu càng ngon, độ đậm đặc nước cốt tăng lên, thơm mùi của nếp và vị đắng của men vỏ cây rừng.
Ẩm thực
Mỗi khi nhắc đến Đắk Nông, du khách sẽ nghĩ ngay đến cảnh hoang sơ, hùng vĩ của những thác nước đang ngày đêm ầm ầm tuôn chảy xen lẫn trong những cánh rừng xanh bạt ngàn cùng với nền văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Và nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc nơi đây cũng ẩn chứa sự độc đáo, mới lạ, mang đến cho du khách những ấn tượng không thể nào quên khi ghé thăm vùng đất này. Nói đến ẩm thực Đắk Nông không thể không nhắc đến các món ngon mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên đại ngàn như cơm lam, canh thụt, thịt nướng, cà đắng, cá lăng, rượu cần. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có sự đa dạng của ẩm thực ba miền Bắc, Trung, Nam mà ít nơi nào có được, mang sự giao thoa và cộng hưởng với đời sống của núi rừng Tây Nguyên, tạo cho du khách cảm giác vừa thân quen, vừa mới lạ.
Hiện nay, Đắk Nông đang được nhiều người biết đến khi sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nổi bật, có bản sắc riêng, đặc biệt phù hợp để khai thác du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Hy vọng tin tưởng, với những định hướng đúng đắn, Đắk Nông sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh - một điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
T.T