Thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, tập trung các văn bản mới được Quốc hội thông qua trong năm 2021 và các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của từng đối tượng trong ngành.
Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, ngành VHTTDL yêu cầu đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; khắc phục khó khăn, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Để việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2021 bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức, Bộ VHTTDL nhấn mạnh yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện đặc thù; bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của ngành, địa phương. Tăng cường trách nhiệm tập thể gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất, tuân thủ các quy định, thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động lựa chọn chủ đề phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp. Giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, cuộc vận động, phong trào. Kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh tuyên truyền việc ứng xử trên mạng xã hội; chấn chỉnh tình trạng đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện, xử lý, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện, không gian mạng. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm và tập trung trong tháng cao điểm, từ ngày 15/10 đến 15/11.
Bộ VHTTDL yêu cầu các đơn vị, các Sở có kế hoạch cụ thể để tổ chức thi hành các Luật, Nghị định, Thông tư ngay sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, trên cơ sở đó đánh giá việc triển khai hàng năm. Chủ động tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trực tiếp của các cá nhân, tổ chức hoặc qua dư luận, báo chí đối với việc thực thi pháp luật; giải đáp các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Vụ Pháp chế làm đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật và công tác tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL và gia đình.
PV