Tính toán chiến lược sản xuất, mua, nhập khẩu vaccine
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các đơn vị nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trong việc hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế cho ý kiến để xem xét việc cấp phép khẩn cấp, trước mắt là vaccine Nanocovax; xin ý kiến các thành viên của 2 Hội đồng trong việc khuyến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19, nhất là vaccine cho trẻ em, phương án phối trộn các loại vaccine, kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022. Đồng thời, Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành quy trình thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir, khẩn trương báo cáo về vấn đề bản quyền đối với loại thuốc này; có phương án bảo đảm sẵn sàng số lượng thuốc điều trị đáp ứng các tình huống bệnh nhân COVID-19 tăng cao. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả của thuốc Vipdevir có nguồn gốc thảo dược do Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trong nước tiếp tục nghiên cứu thuốc có tác dụng bổ trợ cho bệnh nhân COVID-19, hình thành gói hỗ trợ không cần chỉ định của bác sỹ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp sớm sản xuất test nhanh kháng nguyên đạt hiệu quả trên nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 với tinh thần "sớm nhất, tiện dụng nhất". Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ phát triển test nhanh kháng thể và sinh phẩm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 để sản xuất đáp ứng nhu cầu xét nghiệm kháng thể đối với người đã tiêm vaccine, đã nhiễm COVID-19 để quy định tiêu chí trong việc xác định tình trạng bình thường mới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, thẩm định chất lượng Hệ thống tạo oxy di động do Trường Đại học Bách Khoa chế tạo.
Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc xác định tiêu chí "vùng đỏ", "vùng vàng", "vùng cam", "vùng xanh" với tinh thần "gọn nhất có thể" đối với "vùng đỏ", "vùng vàng" để làm cơ sở cho các địa phương quyết định quy mô, tần suất xét nghiệm COVID-19.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 16/9, Việt Nam đã thực hiện được 32,375,467 mũi vaccine COVID-19. 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) cập nhật đến trưa 16/9 là Bắc Ninh, Lào Cai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Phước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 37 triệu liều vaccine COVID-19 các loại khác nhau. Trong tháng 9 và tháng 10 vaccine COVID-19 về Việt Nam rất nhiều, do đó các lực lượng y tế và quân đội, công an phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm vaccine tối đa công suất để đảm bảo tiến độ tiêm chủng.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế đang nỗ lực từng khâu, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất, đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Hệ thống y tế ngành, y tế công an, y tế quân đội cũng tham gia chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này, với đội ngũ nhân lực được tập huấn đầy đủ, kỹ càng. Bộ Y tế liên tục yêu cầu các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc “4 tại chỗ”; thành lập Ban An toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng. Với các điểm tiêm chủng lưu động, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có hướng dẫn cụ thể về việc lập kế hoạch tổ chức triển khai, hình thức triển khai tiêm chủng tới các địa phương để đảm bảo sử dụng vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả nhất.
Phát huy sức mạnh của Tổ Covid cộng đồng
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 mà “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” thì các Tổ Covid cộng đồng được đánh giá là “vũ khí” chiến lược góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch tại nhiều địa phương. Hàng ngày các thành viên trong Tổ sẽ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K; Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình; cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19. Qua đó, các Tổ Covid cộng đồng trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vế các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn phụ trách; phối hợp và hỗ trợ công tác xét nghiệm đảm bảo phòng dịch và chính xác các đối tượng phải lấy mẫu.
Đồng thời, các Tổ Covid cộng đồng nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của người dân địa phương; vận động, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp; thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do ban chỉ đạo cấp xã phân công. Tổ Covid cộng đồng là mô hình hoạt động trực tiếp gần dân, sát dân; là “cầu nối” giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy, chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.
Ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng, chống dịch
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân sử dụng và phục vụ thiết thực cho phòng, chống dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới, đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng loạt. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu. Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.
Bộ Công an phát huy thế mạnh là cơ quan quản lý dữ liệu của người dân, với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch ở địa phương, để tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới trong phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19…, tích hợp các dữ liệu này về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.
Lan Phương
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ