Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung: "Xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên phải lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân"
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Hưng Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, có số di tích được hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước. Trong thời gian qua, ngành Du lịch Hưng Yên đã có những nỗ lực nhất định trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, mở rộng kết nối với các địa phương, quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Tuy nhiên lượng khách du lịch đến Hưng Yên còn khiêm tốn, năm 2018 đạt hơn 900.000 lượt khách và năm 2019 dự kiến đón hơn 1 triệu lượt khách.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định: Du lịch Hưng Yên chưa phát triển, quy mô nhỏ bé và chưa đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cho Du lịch Việt Nam nói chung. Để xây dựng sản phẩm du lịch cho Hưng Yên cần phải dựa trên các lợi thế so sánh và tài nguyên du lịch thế mạnh của địa phương, bao gồm: vị trí địa lý nằm sát thủ đô Hà Nội – trung tâm khách du lịch hàng đầu cả nước; tài nguyên du lịch nhân văn của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, nhiều đặc trưng văn hóa, lễ hội...; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn thiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cũng đề xuất một số nhóm giải pháp thúc đẩy Du lịch Hưng Yên trong thời gian tới, đó là quán triệt sâu rộng chủ trương phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để xác định phát triển du lịch tại Hưng Yên trở thành ngành kinh tế quan trọng; xây dựng sản phẩm du lịch lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân, tập trung vào các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…; đầu tư hoàn thiện các tiêu chí về điểm đến, bên cạnh các hạ tầng cơ bản thì phải có các hạ tầng du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… Sau khi xây dựng được sản phẩm du lịch, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, tham gia các hội chợ, tổ chức các sự kiện giới thiệu du lịch Hưng Yên tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Tại hội thảo, đa số ý kiến của các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao tiềm năng du lịch tại những nơi đoàn đã đi khảo sát trước đó tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bà Đỗ Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Công ty Bản sắc Mê Kông khẳng định: Những điểm đến như quần thể di tích làng Nôm hay làng dược liệu Nghĩa Trai có thể xây dựng thành những sản phẩm bổ trợ cho các tuyến điểm có sẵn như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình để tận dụng khoảng thời gian trống khi khách di chuyển về Hà Nội. Trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ khách du lịch quốc tế có thể đến tham quan nhà cổ, chùa cổ, đạp xe quanh làng Nôm, thăm làng nghề dược liệu và đồ đồng... Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Sơn – chuyên viên phát triển sản phẩm công ty Vietrantour cho rằng, khách du lịch quốc tế thường rất quan tâm và kỳ vọng được tìm hiểu, thuyết minh về toàn bộ quy trình sản xuất tại các làng nghề, nếu như làng dược liệu Nghĩa Trai và làng nghề đồ đồng ở Đại Đồng có thể giới thiệu được quy trình như vậy thì sẽ trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách; trên cơ sở đó kết hợp với các điểm đến lân cận để tạo thành sản phẩm tour 1 ngày hoặc 2 ngày.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời khẳng định trong thời gian tới UBND tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch.
HN