Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành VHTTDL đã điều phối tốt giữa 3 lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện, sâu rộng và tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi gây khó khăn thách thức đến phát triển kinh tế, xã hội nói chung và các hoạt động của ngành nói riêng. Toàn ngành đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện với phương châm chống dịch như chống giặc, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế…”.
Báo cáo những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ đã kịp thời chỉ đạo hoãn và lùi thời gian tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch; đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch. Xây dựng danh sách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cách ly, phòng, chống dịch.
Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng trong năm 2020 các nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ Văn hóa, Gia đình, Thể thao có nhiều chuyển biến quan trọng, đạt kết quả đáng khích lệ.
Đối với lĩnh vực Du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, năm 2020 Du lịch mở đầu với tín hiệu rất phấn khởi, trong tháng 01/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, đạt 2 triệu lượt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động du lịch quốc tế đã ngừng trệ đến nay.
Năm 2020, các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với năm 2019: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 79,5%; khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, trong đó có 28,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7%...
Trong bối cảnh đó, năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và của Thế giới, như: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Qua đó, đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của Du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ 3 nước thông qua “Kế hoạch phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11. Xây dựng dự thảo Tuyên bố chung về du lịch số ASEAN đã được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị lần thứ 37.
Cùng với đó, tập trung tăng cường công tác truyền thông trên website và mạng xã hội Zalo về các hoạt động phục hồi du lịch nội địa. Phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 9, cuộc thi Clip quảng bá Du lịch Việt Nam. Ra mắt bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam” dành cho khách quốc tế. Xây dựng clip “Why not Viet Nam?” truyền thông trên kênh truyền hình CNN, CNBC; Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020...
Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách hưởng ứng, góp phần khôi phục hoạt động du lịch nội địa, đưa du lịch khởi sắc trở lại. Từ chương trình này, các địa phương đều triển khai chương trình kích cầu du lịch, đẩy mạnh liên kết, hợp tác… đem lại hiệu quả.
Trình bày tham luận tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, trước hết hoạt động du lịch chú trọng phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn; đồng thời, chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ.
Về phương hướng hoạt động du lịch năm 2021, trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể xác định thời điểm mở cửa trở lại do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất một số giải pháp nhằm duy trì kích cầu và phục hồi du lịch, trong đó tiếp tục lấy du lịch nội địa làm nội lực; tiếp tục triển khai những hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; đẩy mạnh chuyển đổi số, E-marketing, truyền thông, quảng bá xúc tiến trên mạng xã hội và nền tảng trực tuyến; chuẩn bị sẵn sàng khi điều kiện cho phép đối với du lịch quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của ngành VHTTDL, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước năm 2020. "Bộ VHTTDL đã điều phối rất tốt giữa 3 lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch", Phó Thủ tướng nói.
Đối với lĩnh vực Du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, Du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng nhanh, ấn tượng, không chỉ phát triển nằm trong quy mô top 10 tăng trưởng thế giới, trong 5 năm qua, Du lịch Việt Nam đã xếp thứ 6 thế giới về tốc độ tăng trưởng.
Đặc biệt, năm 2020, Du lịch Việt Nam được thế giới ghi nhận, vinh danh bằng những giải thưởng danh giá: năm thứ 2 liên tiếp là điểm đến hàng đầu thế giới về di sản, điểm đến hàng đầu châu Á về văn hóa và ẩm thực, điểm đến du lịch golf tốt nhất châu Á lần thứ 4 liên tiếp, cùng với hàng loạt giải thưởng, danh hiệu của các doanh nghiệp, thương hiệu mạnh.
“Kết quả đạt được do chính sách, môi trường kinh doanh, nhưng quan trọng là vai trò định hướng của Chính phủ, của Bộ VHTTDL…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.
Về định hướng phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL cần chủ động hơn, nắm bắt cơ hội, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua việc áp dụng công nghệ số để đặt phòng khách sạn, lưu trú đều do các doanh nghiệp nước ngoài “chiếm lĩnh” với doanh số cực lớn, các doanh nghiệp trong nước gần như bỏ trống “sân nhà”.
Ngay trong công tác quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL cũng chỉ nắm được các khách sạn từ 3 sao trở lên, còn lại các khách sạn thấp sao, homestay, nhà nghỉ du lịch… hoàn toàn không nắm được, muốn quản lý tốt thì phải có số hóa và công nghệ.
Tương tự như vậy, đối với hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm, nếu áp dụng công nghệ thì vấn đề này sẽ được giải quyết rất đơn giản và mang lại hiệu quả cao…
“Năm 2021, Bộ VHTTDL cần quyết liệt triển khai công nghệ số, phải lập Ban chỉ đạo số hóa do Bộ trưởng làm trưởng ban để chỉ đạo triển khai” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Hùng Nguyễn