Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí.
Cao Bằng có địa hình phong phú và đa dạng, tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh… được giữ gìn, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Cao Bằng cũng là địa bàn của hơn 95% đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, tạo nên vùng đất văn hóa đa sắc tộc, hấp dẫn du khách. Các di tích đã và đang phát huy hiệu quả giá trị di tích, thu hút ngày càng đông du khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Kho tàng văn hóa phi vật thể và vật thể của các dân tộc ở Cao Bằng cũng rất phong phú, đa dạng với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang được nghiên cứu, bảo tồn.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết: Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, lượng khách lên Cao Bằng, nhất là khách quốc tế tăng mạnh. Trong 11 tháng, năm 2019, tổng lượt khách ước đạt 1.463.607 lượt, tăng 26,7% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 172.786 lượt, tăng 68,9% so cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.290.821 lượt, tăng 22,6% so cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 449,2 tỷ đồng, tăng 36,3% so cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng ước đạt 66%. Trong tất cả các điểm đến ở Cao Bằng thì tác Bản Giốc luôn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Cơ sở dịch vụ chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thác Bản Giốc, quy mô gia đình; các cơ sở lưu trú chủ yếu do tư nhân đầu tư. Sản phẩm du lịch chưa tạo sự khác biệt và còn đơn điệu. Nguồn nhân lưc phần lớn chưa qua đào tạo nghiệp vụ...
Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch nhận định: Thác Bản Giốc và những điểm du lịch khác trên 3 tuyến công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng là những địa danh có tiềm năng hết sức to lớn để phát triển du lịch nói chung, du lịch biên giới nói riêng. Mặc dù lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Bản Giốc tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng xu hướng tăng trưởng vẫn chưa bền vững, thời gian lưu trú của khách còn ngắn, tỷ lệ khách quay lại chưa cao, các giá trị kinh tế mang lại chưa lớn… Việc tìm ra các giải pháp để phát triển bứt phá trong thời gian tới là vô cùng quan trọng đối với hoạt động du lịch của tỉnh Cao Bằng. Chương trình tọa đàm lần này là một trong những hoạt động mà TCDL triển khai nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch Cao Bằng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và xây dựng thêm một số sản phẩm dựa trên đặc trưng riêng có của thác Bản Giốc và vùng công viên địa chất, Đại diện Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Hữu Tân cho rằng, du lịch Cao Bằng nên liên kết giữa cụm du lịch Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn mới tạo sức hút đối với khách du lịch và với nước bạn Trung Quốc. Đối với việc phát triển sản phẩm, cần bổ sung thêm sản phẩm và cơ sở lưu trú 4 sao cho dòng khách MICE tại tành phố Cao Bằng và khu vực Trùng Khánh; đẩy nhanh việc xây dựng thêm tuyến xe điện cho khách Việt Nam và Trung Quốc đi tham quan trong ngày. Ngoài ra, chú trọng vấn đề môi trường với thông điệp “Sạch là không xả rác” tại các điểm du lịch lớn, xây dựng đội cảnh báo an ninh và đơn vị hỗ trợ khẩn cấp cho du khách trong và ngoài nước.
Tại tọa đàm, các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn và đưa ra nhiều giải pháp khả thi nhằm khai thác và phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc nói riêng, du lịch Cao Bằng nói chung một cách hiệu quả và bền vững. Các đại biểu đều chỉ ra rằng, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng nói chung, thác Bản Giốc nói riêng có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Cơ sở dịch vụ chưa được đầu tư, quản lý, vận hành bài bản. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng xây dựng các công trình còn kém, tình trạng “bê tông” hóa diễn ra khá phổ biến ở nhiều điểm di sản, di tích lịch văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiến trúc cảnh quan du lịch.
Kết thúc tọa đàm, Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời cung cấp nhiều thông tin, các cơ chế chính sách, định hướng phát triển du lịch thác Bản Giốc nói riêng và du lịch Cao Bằng nói chung trong thời gian tới. Ông An cũng khẳng định, hiện tại Cao Bằng đang triển khai nhiều kế hoạch về chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong thời gian tới, các lều quán tạm tại khu thác Bản Giốc sẽ được quy hoạch, thay thế bằng một khu vực khác, trước thác sẽ chỉ còn lại ruộng lúa và cảnh quan. Cũng theo ông An, hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đang họp bàn để đi đến một số thỏa thuận trong khai thác khu du lịch thác Bản Giốc như: Mỗi ngày sẽ có tối đa 300 khách từ Trung Quốc được cấp phép sang Việt Nam và đi về trong ngày với mức phí 70.000 đồng/người. Phía Việt Nam cũng sẽ được đưa một lượng khách tương đương sang Trung Quốc và sẽ được nước bạn miễn phí vé tham quan. Dự kiến, tháng 12, hình thức này sẽ được triển khai. Hiện tại, Cao Bằng cũng đang xây xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch để triển khai vào năm 2020. Trước đó, trong các ngày từ 18 - 21/11, các đại biểu đã tiến hành khảo sát một số điểm trên địa bàn các huyện thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng như Hòa An, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Quảng Uyên, Hà Quảng…
Gia Khôi