Tọa đàm nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Khánh Hòa nói riêng và vùng Duyên hải miền Trung nói chung, phát triển các sản phẩm du lịch tại các tỉnh/thành phố Duyên hải miền Trung, từ đó đề ra các chính sách, giải pháp nhằm tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải miền Trung theo hướng có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao; khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế các địa phương cũng như toàn Vùng; đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù giữa các địa phương trong toàn Vùng.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, với lợi thế biển đảo, trong thời gian qua, Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đã tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, dịch vụ ngâm, tắm bùn khoáng nóng và nhiều loại hình tham quan được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch núi, rừng, đồng quê; các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian cũng được xây dựng, phát triển đưa vào phục vụ du lịch. Về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đến nay trên địa bàn Khánh Hòa có 684 cơ sở lưu trú du lịch với 31.663 phòng. Trong đó bao gồm: 102 cơ sở lưu trú hạng 3 – 5 sao, với tổng số phòng 16.722 phòng, đạt tỷ lệ 52,8% trên tổng số phòng lưu trú. Doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15% - 20%, cụ thể năm 2017 đạt 5,4 triệu lượt khách và 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3,2 triệu lượt khách.
Khánh Hòa mong muốn các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, khảo sát và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các chương trình du lịch với khu vực Duyên hải miền Trung và đẩy mạnh đưa khách du lịch đến Khánh Hòa trong Năm Du lịch quốc gia 2019.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp ý kiến phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các chương trình du lịch với khu vực Duyên hải miền Trung. Đa số các đại biểu đều cho rằng để xây dựng sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung được trọn vẹn ngoài các thông tin về sản phẩm cần cung cấp thêm các thông tin về dịch vụ để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm cho du khách được cụ thể hơn. Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong phục vụ khách du lịch và có những trạm dừng chân đạt tiêu chuẩn… Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa cần có những chính sách để hỗ cho các doanh nghiệp lữ hành có được những lượng phòng nhất định vào mùa cao điểm. Các tỉnh Duyên hải miền Trung cần tạo ra được sản phẩm độc đáo của từng điểm đến. Khánh Hòa cần phải có quy hoạch lại bãi biển tránh tình trạng khách du lịch đến nhưng không có bãi để tắm…
Kết thúc tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Phạm Lê Thảo đánh giá cao tiềm năng du lịch của các tỉnh Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, các tỉnh cần có sự quản lý điểm đến tốt hơn để có những sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững. Cần có những hợp tác đẩy nhanh việc có các trạm dừng chân; triển khai văn bản của Tổng cục Du lịch yêu cầu triển khai chiến dịch “Thoải mái như ở nhà” trong việc kêu gọi nhà dân, các khách sạn, các nhà hàng cho khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh theo mô hình của quận Hải Châu (Đà Nẵng)…
PV