Theo thống kê của một số điểm tham quan tiêu biểu trên địa bàn Thành phố, dịp nghỉ lễ 2/9/2018, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan tăng khá so với cùng kỳ dịp lễ năm 2017. Tiêu biểu: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón 4.081 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đón gần 20.000 lượt khách, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2017; khu di tích và danh thắng Hương Sơn đón 850 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; các điểm đến trên địa bàn Ba Vì (Khoang Xanh, Ao Vua, Vườn quốc gia Ba Vì, Tản Đà) đón 39.000 lượt khách, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước; khu nghỉ dưỡng ASEAN đón khoảng 4.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước,...
Về hoạt động kinh doanh khách sạn, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản đề nghị các cơ sở lưu trú thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ du lịch trước, trong và sau dịp nghỉ lễ, không để xảy ra tình trạng găm giữ phòng khách sạn và dịch vụ du lịch, không gây sốt giá, không giảm chất lượng. Công suất sử dụng buồng phòng bình quân trong dịp nghỉ lễ năm từ ngày 1 – 3/9 đạt mức cao hơn so với các năm trước, công suất sử dụng buồng trung bình khối 1-5 sao đạt khoảng 65%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khối khách sạn từ 3-5 sao đạt khoảng 69%, một số khách sạn có công suất sử dụng buồng phòng cao như khách sạn Lotte (5*) đạt 85%, JW Marriott (5*) 75%, De’l Opera (5*) 75%, Metropole (5*) 68%, Silk Path (4*) 80%, khách sạn nghỉ dưỡng Asean Resort (4*) đạt 100% với khách trong nước, Ladolcevita (3*) đạt 90% công suất... Một số thị trường khách quốc tế đứng đầu về lượng khách lưu trú gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc...
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố, dịp lễ Quốc khánh năm nay, tình hình đón khách của các đơn vị tăng 10-20%.
Cùng với đó, trong các ngày từ 1 - 3/9, Đoàn kiểm tra của Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại một số điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố, gồm: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, đền Ngọc Sơn và Nhà hát múa rối Thăng Long, Khu Phố cổ (Nhà cổ 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố Cổ…), Khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam và khu vực xung quanh Hồ Tây.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đối với 31 hướng dẫn viên du lịch, 7 lái xe vận chuyển khách du lịch. 6/31 trường hợp hướng dẫn viên được kiểm tra phải nhắc nhở về việc đeo thẻ hướng dẫn viên, do hướng dẫn viên để thẻ trong túi áo; 5/31 trường hợp hướng dẫn viên để hợp đồng ký cộng tác viên với Công ty lữ hành ngoài xe ô tô (Hướng dẫn viên đã ra xe lấy để xuất trình với đoàn kiểm tra); đối với trường hợp 1 hướng dẫn viên của đoàn khách của Công ty TNHH Global tour - Chi nhánh Hà Nội không mang theo giấy tờ kèm theo tại điểm kiểm tra (khu vực chùa Một Cột), đoàn kiểm tra đang tiếp tục kiểm tra, xác minh; 5/31 trường hợp hướng dẫn viên viết nhật ký hướng dẫn chưa đầy đủ theo lịch trình du lịch; 4/7 lái xe được kiểm tra có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ du lịch; 3/7 lái xe tại thời điểm kiểm tra không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ du lịch, giải trình đã thực hiện xong phần học tập, hiện đang kê khai chờ cấp chứng chỉ.
Thành phố tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở lưu trú du lịch. Các đơn vị cơ sở lưu trú du lịch đã quan tâm nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan, cụ thể: Không sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem của nhà nhập khẩu, không quá hạn sử dụng; không sử dụng thực phẩm màu độc hại và các chất phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế để sản xuất, chế biến thực phẩm; Không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng...
PV