Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu truyền thông Văn hóa dân tộc nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Vì vậy, việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết và đây cũng nên là định hướng lâu dài cho Du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
Tại diễn đàn, các đại biểu trong nước và quốc tế đã bàn về các vấn đề: hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế, du lịch xanh trong giai đoạn mới; những định hướng phát triển du lịch xanh bền vững; chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, bền vững; vai trò các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch xanh bền vững… Diễn đàn cũng đề cập tới việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch, ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, những giải pháp hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch xanh trong xu thế toàn cầu hóa...
Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, du lịch đã trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị xuất khẩu du lịch toàn cầu đạt hơn 1,4 nghìn tỷ USD năm 2016, chiếm 6,6% tổng giá trị xuất khẩu và gần 30% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của thế giới. Năm 2017, du lịch và lữ hành toàn cầu đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%), trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn cầu). Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, tỷ lệ đóng góp cho GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 7,5% năm 2017. Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới. Du lịch đã trở thành một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước với trên 20 tỷ USD/năm. Ngành Du lịch Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 đón từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP tiến tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được quy định trong Chương trình Nghị sự 2030.
Là một địa phương có ngành Du lịch phát triển, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện một số dự án như du lịch bằng thuyền nan ở vịnh Hạ Long, mô hình làng văn hóa dân tộc tại làng Yên Đức (Đông Triều), dự án phát triển xanh do JICA hỗ trợ… Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, tỉnh mong muốn phát triển du lịch toàn diện (biển đảo, rừng núi, tâm linh, cộng đồng) để có thể phát triển du lịch bền vững. PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tư duy phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh Quảng Ninh là một bước đi đúng đắn.
Diễn đàn “Phát triển kinh tế - du lịch xanh bền vững 2018” là dịp thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Diễn đàn cũng góp phần tuyên truyền về chiến lược phát triển kinh tế - du lịch xanh và Nghị quyết số 80/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tạp chí Du lịch tháng 7/2018
Phong Vi