Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Tăng trưởng toàn diện trên cả 03 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản (3,93%, cao gấp 1,4 lần so với mức tăng cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng (9,07%, cao gấp 1,5 lần); dịch vụ (6,9%). Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13,02%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%. Tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, đến ngày 20/6/2018 đạt 6,35%, đây là mức tăng trưởng lành mạnh và hợp lý. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá, ước đạt gần 652.000 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt trên 649.000 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747.000 tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... cơ bản ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng được đảm bảo thực hiện đầy đủ; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa xuân, hè; giải quyết việc làm đạt khoảng 49% kế hoạch đề ra; tổ chức thành công hai kỳ thi quan trọng là tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học quốc gia, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ công tác tuyển sinh…
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng 10,16%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ. Về chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, ngành Than tiếp tục có nhiều khởi sắc với sức tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 6 tháng đạt gần 21.000 tỷ đồng; khách du lịch tới Quảng Ninh đạt 7,5 triệu lượt người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%. Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án, công trình trọng điểm, như: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhất là dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đồng chí Nguyễn Đức Long đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Quảng Ninh một số công việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, như chấp thuận chủ trương dự án đầu tư nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đặc khu; Bộ Công thương sớm đẩy nhanh tiến độ đề án Khu hợp tác quốc tế song phương, trong đó có Khu kinh tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cảnh báo sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn và yêu cầu không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ.
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng). Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm, Thủ tướng nêu rõ: “Cần đặt ra động lực, động năng tăng trưởng của Việt Nam là gì trong quý III, IV này và năm 2019 sắp đến” và nhấn mạnh: “Bây giờ không chuẩn bị thì không chạy kịp”.
Thủ tướng bày tỏ: “Đất nước có phát triển nhiều mặt nhưng thu nhập bình quân đầu người tính trên GDP còn thấp, như vậy chưa phải là tự hào của người lãnh đạo. Phải trăn trở điều này để chúng ta đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới”.
Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước, đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.
Thủ tướng nêu rõ, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.
Nhắc việc từ ngày 1/7, có 9 luật bắt đầu có hiệu lực, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành áp dụng pháp luật đúng đắn, nhất là rà soát lại các luật quy định về điều kiện kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý cụ thể…
PV