Nhìn từ Honduras và Trung Quốc
KDTSQ Rio Platano tại Honduras
Khu dự trữ sinh quyển Rio Platano được UNESCO công nhận từ năm 1980, thuộc vùng La Mosquitia nằm ở phía Đông Honduras. Khu bảo tồn sở hữu đa dạng các hệ sinh thái với hệ thực vật và động vật phong phú. Với diện tích khoảng 8.500km2, Rio Platano là KDTSQ lớn nhất ở Trung Mỹ và được xem như một Amazon thu nhỏ. MOPAWI (Mosquitia Pawisa-Development of La Mosquitia) là tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm bảo tồn và phát triển KDTSQ Rio Platano với phương châm "tích cực hỗ trợ phát triển con người và bảo tồn thiên nhiên". Các cộng đồng ở đây đã phối hợp với MOPAWI tạo ra những mô hình du lịch sinh thái hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho vùng.
Cư dân làng Las Marias, tập trung vào các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động săn bắn quy mô nhỏ. Các công ty du lịch đã phối hợp để tổ chức tour du lịch sinh thái đưa du khách đến Las Marias từ những năm 1980. Đến 1993, du lịch sinh thái thật sự phát triển thành một ngành công nghiệp mới, lượng du khách đã tăng lên gấp đôi. Las Marias kết hợp một cách độc đáo giữa các điểm tham quan hấp dẫn với các cơ hội cho các cuộc phiêu lưu cho du khách thông qua các điểm tham quan ấn tượng, chuyến thám hiểm trên sông, săn bắn, âm nhạc và khiêu vũ đặc trưng của địa phương. Trung bình, mỗi hộ dân có ít nhất một người có thể làm hướng dẫn viên cho du khách.
Mô hình du lịch sinh thái thứ hai là trang trại Raista, trang trại bướm đầu tiên của Honduras. Du khách đến Raista có thể thưởng thức và tìm hiểu về các loại bướm đa dạng và các giai đoạn sống của chúng. Ngoài ra, du khách dễ dàng tìm thấy bãi biển Caribbean hoang sơ cát trắng và các dãy núi hùng vĩ ở khu vực này, hay có thể đi cano khám phá các loài chim, thủy sản, rừng ngập mặn cũng như các khu rừng nhiệt đới.
Mô hình du lịch Plaplaya cung cấp các điểm tham quan du lịch sinh thái chính trong Plaplaya, điểm nhấn là kết hợp với dự án bảo tồn rùa biển. Khách du lịch được đi cùng với bảo vệ bãi biển tuần tra ban đêm để quan sát rùa làm tổ, thu thập trứng và chăm sóc chúng trong vườn ươm bán nhân tạo từ tháng 3 đến tháng 7. Từ tháng 9, du khách có thể chứng kiến sự ra đời của rùa con ở vườn ươm. Ngoài dự án bảo tồn rùa biển, Plaplaya còn thu hút khách du lịch với những bãi biển cát trắng trải dài, chương trình du ngoạn đánh cá, các tour du lịch đến các rừng ngập mặn, ẩm thực và những điệu múa đặc trưng của địa phương…
Sự phối hợp giữa MOPAWI và cộng đồng dân cư cùng các đối tác như công ty du lịch đã tăng cường sự hiểu biết về du lịch sinh thái vừa tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội vừa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho cư dân bản địa.
KDTSQ Jiuzhaigou tại Trung Quốc. Ảnh: Internet
KDTSQ Jiuzhaigou tại Trung Quốc
Thung lũng Jiuzhaigou thuộc huyện Cửu Trại, Tứ Xuyên, Trung Quốc được công nhận là khu bảo tồn quốc gia năm 1978, trở thành di tích lịch sử thế giới năm 1992 và được công nhận là KDTSQ thế giới năm 1997. Jiuzhaigou có khoảng 4.000 loại thực vật, 123 loại động vật có xương sống (trong đó có hơn 50 loại động vật quý hiếm), 93 loài chim... Thung lũng này được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích, nổi tiếng nhờ hệ thống các hồ đa sắc và các thác nước nhiều tầng, hấp dẫn du khách với văn hóa Tây Tạng. Năm 1990, khu phong cảnh này được đánh giá là một trong 40 khu du lịch đẹp nhất của Trung Quốc. Jiuzhaigou phát triển du lịch từ đầu những năm 1980, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.
Mặc dù từng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động phá rừng trước đây, Jiuzhaigou được phục hồi thông qua hoạt động trồng rừng và quản lý chặt chẽ chất lượng nước, chất lượng không khí. Năm 2004, Quy chế về bảo vệ di sản thế giới ở Tứ Xuyên đã được thông qua và trở thành luật, cung cấp một cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ di sản thế giới này. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tìm kiếm sự đồng thuận một cách tự nguyện của khoảng 800 hộ dân sinh sống ở sáu làng tại Jiuzhaigou, đảm bảo việc quản lý và bảo tồn một cách hiệu quả. Năm 2006, Ban quản lý Jiuzhaigou được thành lập nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ di sản thế giới. Chính phủ đã chấp thuận thông qua một kế hoạch chung cho Jiuzhaigou về cung cấp một khuôn khổ cho việc bảo vệ và quản lý, bao gồm cả một kế hoạch giám sát chi tiết đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tất cả tài nguyên nước, đa dạng sinh học, sâu bệnh và thời tiết khí hậu… đều được giám sát theo kế hoạch. Ngoài ra, còn có các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn văn hóa truyền thống và xây dựng môi trường thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh đó, bộ phận khoa học thực hiện vai trò chủ động hợp tác nghiên cứu với các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế để làm cơ sở cho các chính sách quản lý Jiuzhaigou hiệu quả. Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân Jiuzhaigou không chỉ bảo tồn được nét đẹp tự nhiên, các di tích lịch sử, giá trị nhân văn hàng ngàn năm mà còn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới của Trung Quốc.
Một vài kinh nghiệm
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với các KDTSQ. Tuy nhiên, hiện nay việc kết hợp phát triển du lịch ở các KDTSQ ở Việt Nam vẫn chưa phát huy xứng tầm và còn nhiều hạn chế. Sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch ở các KDTSQ còn mờ nhạt, chưa đạt hiệu quả cao. Từ những kinh nghiệm của các KDTSQ trên thế giới, có thể rút ra một số bài học.
Trước hết, Nhà nước cần xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế du lịch ở các KDTSQ; đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp du lịch trong thu hút khách du lịch, đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch thông qua xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thông tin, tuyên truyền, bảo tồn các giá trị đa dạng văn hoá và truyền thống, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn; do đó, để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng có hiệu quả, cần chú ý đến vai trò kêu gọi xã hội hóa. Với thế mạnh về vốn và sự sáng tạo trong đầu tư và quản lý, các nhà đầu tư là tác nhân quan trọng để liên kết phát triển hệ thống hạ tầng hiệu quả bên cạnh vai trò quản lý chủ đạo của Nhà nước trong việc bảo tồn các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về các KDTSQ, nêu rõ những lợi ích tác động trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong việc khai thác tài nguyên du lịch ở KDTSQ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, những lợi thế so sánh của mỗi KDTSQ, tận dụng các giá trị văn hóa phi vật thể và đa dạng sinh học để xây dựng các mô hình du lịch đặc trưng cho mỗi KDTSQ để thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, cần phát triển sáng tạo và đa dạng các loại hình du lịch kết hợp với cộng đồng địa phương, từ đó hình thành mô hình du lịch đặc trưng của từng loại hình để tạo nên nhiều sản phẩm mang nét đặc sắc riêng cho các KDTSQ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Hiệu quả hoạt động của các KDTSQ kể cả quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ KDTSQ cần phải được quan tâm đúng mức để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển du lịch ở các KDTSQ với cơ cấu và chất lượng phù hợp.
Một trong những thách thức lớn nhất của bảo tồn KDTSQ và phát triển du lịch là gắn kết các thành phần có liên quan chặt chẽ với nhau bao gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, cộng đồng địa phương vì mỗi thành phần đều có vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình này. Đây là yếu tố chính quyết định sự thành công của phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn KDTSQ.
|
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã có 8 KDTSQ được UNESCO công nhận. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế du lịch, đóng góp hiệu quả cho sinh kế của cộng đồng ở địa phương và góp phần phát triển bền vững các KDTSQ. Điều quan trọng là chúng ta cần khai thác và phát triển đúng hướng.
Tài liệu tham khảo
Erik A. Nielsen (2001). Community-Based Ecotourism Development and Management in the Rio Platano Man and the Biosphere Reserve, Honduras. The Nature Conservancy International Conservation Program.
Guangyu Wang et al. (2012). National Park Development in China: Conservation or Commercialization? Royal Swedish Academy of Sciences 2011.
ThS. Nguyễn Quốc Nghi - Nguyễn Đinh Yến Oanh
(Trường Đại học Cần Thơ)
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3/2013)