Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt vì nơi đây hội tụ top 10, thậm chí top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, trong đó đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Sapa từ lâu được coi là thị xã trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ. Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải là khu vực tập trung của những khu ruộng bậc thang nổi tiếng trong và ngoài nước. Đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam mang vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc. Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên có khí hậu ôn hòa; cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp với những loài hoa đặc trưng cho vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào; thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ…
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, chợ phiên, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Cầu An, Lễ hội Cầu Mưa, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà bọc đất nướng, cá suối nướng lá, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… Đây chính là những yếu tố hấp dẫn đối với du khách thích khám phá và trải nghiệm. Những yếu tố này cũng tạo cho vùng Tây Bắc những ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm - những loại hình du lịch hướng tới tăng trưởng xanh (TTX).
Trong các mô hình phát triển du lịch hiện có trên địa bàn, mô hình phát triển du lịch cộng đồng và mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hai mô hình phát triển theo hướng TTX và bền vững. Trong đó mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển từ lâu, còn mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được hình thành những năm gần đây. Đặc điểm của hai mô hình du lịch này là gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và cải thiện nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa, mang lại lợi ích trực tiếp và bền vững cho người dân địa phương; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương.
Mô hình du lịch cộng đồng phát triển thể hiện qua việc gia tăng các cơ sở cung cấp dịch vụ homestay tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Tính đến đầu năm 2020, Lào Cai có 348 hộ kinh doanh dịch vụ homestay (riêng thị xã Sapa chiếm 85%); Lai Châu có 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tại 11 điểm du lịch cộng đồng; Yên Bái có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ homestay... Ngoài dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như khám phá văn hóa, khám phá tự nhiên, du lịch mạo hiểm… Trong đó, hấp dẫn du khách nhất và có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng là các dịch vụ được khai thác trên cơ sở phát huy văn hóa bản địa: đồng bào dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ Tả Phìn; đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Lự… khai thác truyền thống thêu trang trí trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay rất độc đáo…
Mô hình du lịch nông nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển trong khuôn khổ các đề án kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch ở các địa phương và đã bước đầu giúp đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc và bảo vệ môi trường. Mô hình này còn mới mẻ, cần có sự nghiên cứu, đầu tư và có các chính sách, cơ chế phù hợp để có thể phát triển một cách bài bản và hiệu quả.
Việc định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch hướng tới TTX ở các địa phương trong vùng Tây Bắc vẫn chưa rõ nét. Một số địa phương và công ty du lịch đã xây dựng và khai thác một số chương trình, tuyến du lịch với sản phẩm đặc trưng là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái mang định hướng TTX, song quy mô còn nhỏ lẻ nên khả năng thu hút du khách còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình ảnh du lịch vùng Tây Bắc vẫn chưa đậm nét.
Để phát triển du lịch hướng tới TTX, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch có trọng điểm với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khai thác hợp lý lợi thế về tài nguyên du lịch của vùng. Trong đó, ưu tiên trước mắt cho phát triển các khu du lịch quốc gia với mục tiêu đến năm 2025, bên cạnh khu du lịch quốc gia Sapa, các khu vực đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch như Mộc Châu, lòng hồ Hòa Bình, Điện Biên Phủ - Mường Phăng đủ điều kiện để được công nhận là khu du lịch quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của vùng.
Một số giải pháp cần được ưu tiên xem xét áp dụng trong quá trình phát triển du lịch theo hướng TTX ở vùng Tây Bắc gồm:
Hoàn thiện khung thể chế gồm các biện pháp đảm bảo, các chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung và du lịch nói riêng theo hướng TTX như ban hành chiến lược, quy hoạch TTX trong lĩnh vực du lịch của địa phương, chính sách tạo điều kiện về tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch xanh, xây dựng nguồn nhân lực xanh, quy định về thay đổi phương thức vận hành trong các hoạt động du lịch…
Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính đồng bộ, trong đó cần tranh thủ sự giúp đỡ tài chính và kỹ thuật của Trung ương và các tổ chức, đối tác quốc tế.
Cần xác định công tác phối hợp liên ngành trong phát triển du lịch thực sự quan trọng và là yêu cầu tiên quyết để thực hiện thành công các chính sách, chiến lược của quốc gia, địa phương.
Tăng cường hợp tác công - tư: sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân là một công cụ quan trọng để huy động các nguồn lực, chuyên gia và đổi mới cần thiết để đạt được các mục tiêu TTX.
Phân tích bối cảnh của địa phương để xây dựng mô hình TTX phù hợp nhất, trên cơ sở tận dụng sức mạnh tổng hợp của ba khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, điều chỉnh và cân bằng một cách hiệu quả giữa mục tiêu TTX mong muốn và nguồn lực đầu tư, sự đánh đổi của kinh tế/ môi trường/xã hội và những rủi ro có thể xảy đến. Đồng thời, truyền đạt những lợi ích TTX dự kiến tới các bên liên quan một cách minh bạch và phù hợp với từng nhóm.
TS. Phạm Lê Thảo
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)