.jpg)
Cơ quan Tiêu chuẩn nuôi voi châu Á đang triển khai dự án tại 4 quốc gia: Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam để giúp du khách hiểu rõ hơn về du lịch; dự án kéo dài hết tháng 6/2022. Dự án sẽ làm việc với các trại voi để các trại voi được cấp chứng nhận về tương tác đúng đắn với voi; làm việc với các doanh nghiệp du lịch để đảm bảo du khách có thể thăm, tương tác với voi mà vẫn đảm bảo chúng vẫn được chăm sóc ổn thỏa nhất. Đồng thời, làm việc với cơ quan quản lý du lịch quốc gia để giúp hiểu rõ, đúng về du lịch voi bền vững; quảng bá làm sao cho du khách và cộng đồng hiểu về du lịch voi; giới thiệu về một Việt Nam thân thiện với voi và cộng đồng cùng hưởng lợi.
Ông Nicolas Dubrocard – chuyên gia của ACES cho biết, hệ thống chứng nhận của ACES có 192 tiêu chí, trong đó có 116 tiêu chí bắt buộc, 59 tiêu chí nâng cao, 16 tiêu chí bảo tồn và phải thực hiện qua 6 bước đăng ký. Ông Nicolas Dubrocard cũng chia sẻ những khái niệm cơ bản về phúc lợi động vật bao gồm, không để voi đói khát; không bị ức chế; không bị đau đớn, thương tích hoặc bệnh tật; tự do thể hiện các hành vi bản năng; không bị sợ hãi và căng thẳng. Ông Nicolas Dubrocard đồng thời nhấn mạnh về trải nghiệm du lịch ở châu Á là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Phát triển du lịch voi bền vững sẽ thúc đẩy du lịch phát triển.
.jpg)
“Chúng ta có thể cho mọi người thấy du lịch voi được thực hiện đúng đắn, được cải thiện cách chăm sóc voi. Nhiều người đã làm việc rất vất vả để có thể cho voi ăn, tắm và chăm sóc voi. Chúng ta cần mọi người hiểu, duy trì, phát triển đàn voi nuôi nhốt; chúng ta có thể cho thế giới nhìn thấy những hình ảnh tốt nhất về du lịch voi từ các nước châu Á. Các hành động tiêu cực tác động đến du lịch voi sẽ gây giảm chi phí để chăm sóc voi, thay vì cố gắng tương tác đúng đắn. Chúng tôi hướng đến tầm nhìn xa hơn, là công nhận những trại voi chăm sóc và tương tác đúng với chúng. Không ai trong chúng ta có thể bảo đảm được cuộc sống của voi ngoài tự nhiên khi không gian sống của chúng đang ngày càng thu hẹp.” – Ông Nicolas Dubrocard nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ liên quan đến vấn đề bảo vệ vật nuôi, truyền thông về du lịch voi... Đáng chú ý là chia sẻ của Trưởng phòng Quản lý Du lịch Sở VHTTDL Đắk Lắk Nguyễn Sơn Hưng, voi là động vật thân thiện với đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk, được đồng bào coi như thành viên trong gia đình. Đắk Lắk hiện đang triển khai mô hình du lịch voi thân thiện khi trả voi về với cuộc sống tự nhiên, du khách chỉ có thể tham quan một phần cuộc sống trong tự nhiên của voi khi có sự giúp đỡ của nài voi. Quan điểm này được ông Nicolas Dubrocard cho rằng, cần đánh giá du lịch thân thiện từ nhiều góc độ. Ông Nicolas Dubrocard đánh gia cao chi tiết voi được đồng bào Đắk Lắk coi như thành viên trong gia đình, yếu tố này khẳng định du lịch voi thân thiện. Ông Nicolas Dubrocard cũng kiến nghị việc thận trọng khi sử dụng khái niệm du lịch voi thân thiện, bởi theo như cách Đắk Lắk đang triển khai, thì mọi tương tác với voi để xây dựng sản phẩm du lịch khác đều không thân thiện.
Một đại diện khác ở Đắk Lắk chia sẻ về cách người Đắk Lắk thuần dưỡng và chăm sóc voi. Việc sử dụng xích và móc sắt chỉ là công cụ để thuần hóa và điều khiển voi, hoàn toàn không phải làm dụng cụ cực hình với voi. Do vậy, khiến du khách không hiểu rõ, dẫn đến chỉ trích, phản cảm với các sản phẩm du lịch voi. Điều này nhận được sự đồng tình của ông Nicolas Dubrocard. Vị chuyên gia này cho rằng, cần truyền thông về du lịch voi minh bạch hơn, nói ra sự thật. Voi là động vận hoang dã được thuần hóa. Việc sử dụng công cụ không phải là làm dụng, mà là để bạn an toàn, tôi an toàn và du khách an toàn.
.jpg)
Tại buổi hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TCDL Trần Phú Cường chia sẻ, du lịch Việt Nam luôn hướng đến bền vững, bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi ích. Ông Trần Phú Cường đánh giá cao hệ thống cấp chứng chỉ của ACES cũng như những chia sẻ, trao đổi của chuyên gia và các đại biểu tham dự hội thảo. Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cũng khuyến nghị các địa phương cân nhắc những chia sẻ của chuyên gia để có thể áp dụng đúng vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch voi.
Gia Khôi