Sức hút từ sản phẩm du lịch mới
Rừng dừa Bảy Mẫu thuộc thôn 2 và thôn 3, xã Cẩm Thanh, cách thành phố Hội An khoảng 5km về phía Đông. Tên gọi của rừng dừa được đặt theo diện tích ban đầu của nơi đây. Nằm trong vùng nước lợ nên dừa nơi này sinh sôi, phát triển rất nhanh. Tới nay, diện tích rừng đã hơn 100ha nhưng người dân vẫn giữ cái tên rừng dừa Bảy Mẫu quen thuộc, thân thương, đã gắn bó với họ nhiều năm qua.
Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành căn cứ địa cách mạng, giúp quân ta đấu tranh chiến thắng được kẻ thù với rất nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu là trận đánh năm 1948, bộ binh của thực dân Pháp với sự yểm trợ của xe tăng, tấn công vào rừng dừa Bảy Mẫu nhằm tiêu diệt hết lực lượng vũ trang của ta, nhưng lực lượng du kích địa phương đã tổ chức đánh bí mật làm cho bọn địch phải bỏ dở trận càn mà quay đầu rút về Hội An. Trước nhiều lần càn quét thất bại, thực dân Pháp đã bắt ép nhân dân ở các xã xung quanh đến phát quang toàn bộ rừng để ta không còn nơi trú ẩn, không thể tập kích bất ngờ. Tuy nhiên, chúng không đạt được như ý đồ, chỉ sau một thời gian ngắn, rừng dừa lại phát triển tốt tươi, xanh ngắt, khiến những trận càn của chúng đều thất bại thảm hại.
Năm 1966, khi đế quốc Mỹ đem quân vào miền Nam, chúng đã cho tiến hành nhiều cuộc càn quét với quy mô lớn. Vào ngày 13/6/1966, chúng huy động đến 4 đại đội hỗn hợp Mỹ ngụy và 28 lượt máy bay trực thăng đổ xuống, tiến đánh khu vực Cẩm Thanh và rừng dừa. Tuy nhiên chỉ trong 3 ngày chiến đấu, quân ta đã bẻ gãy các trận càn quét của địch. Từ năm 1967 cho đến ngày Hội An toàn thắng, rất nhiều lần lực lượng du kích và bộ đội đã ngâm mình trong rừng dừa, mở nhiều cuộc tập kích bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, quân ta đã hạ gục được không quân, pháo binh, hải thuyền của địch một cách ngoạn mục…
Ngày nay, những giá trị lịch sử và tự nhiên của rừng dừa Bảy Mẫu đã được khai thác và đưa vào phục vụ khách du lịch. Khi đến với rừng dừa, du khách có cơ hội tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm các hoạt động văn hóa độc đáo của người dân Hội An, ngồi trên thuyền theo phong cách miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, điểm đặc trưng để phân biệt rừng dừa này với sông nước miền Tây đó là ở đây người dân không dùng những chiếc thuyền thông dụng để di chuyển mà sử dụng thuyền thúng.
Thời gian tham quan rừng dừa khoảng 1 tiếng đồng hồ. Mỗi chiếc thuyền thúng chở được 2 khách du lịch. Trong quá trình tham quan, khách sẽ được nghe những người dân trực tiếp chèo thuyền giới thiệu một số thông tin về rừng dừa. Trước đây, người dân thường hái những lá dừa tết thành hình các con vật có hình thù khác nhau để phục vụ du khách. Sau đó, để bảo vệ môi trường sinh thái cũng như duy trì sự phát triển bền vững cho hệ thống rừng dừa hành động này đã bị nghiêm cấm. Thay vào đó, nếu khách đến tham quan rừng dừa vào đúng thời gian trái dừa nước chín sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản “cùi dừa nước” và “cơm dừa rắc vừng” thơm ngon.
Một sản phẩm du lịch nữa mà du khách được tham quan và trải nghiệm khi đến rừng dừa đó là xem những màn biểu diễn đầy khéo léo và kỹ xảo của người dân địa phương với chiếc thuyền thúng. Đồng thời, du khách cũng có thể trực tiếp tham gia vào những màn biểu diễn cùng với người dân nếu có sở thích mạo hiểm.
Đối với chương trình du lịch tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, thường khách du lịch sẽ mua tour của các công ty lữ hành. Như vậy, sau khi kết thúc tham quan rừng dừa, du khách sẽ được hướng dẫn viên của công ty tổ chức một số trò chơi tập thể (teambuilding) và dùng bữa trưa tại rừng dừa với các món ăn đặc sản tại đây. Các hoạt động trải nghiệm đều rất giản dị, ấm cúng, tạo được sự thân thiện, gần gũi như chính những con người nơi đây.
Được ví như vùng sông nước miền Tây thu nhỏ ngay gần phố cổ, loại hình du lịch sinh thái tại rừng dừa Bảy Mẫu đang trở thành một hướng đi mới đối với việc phát triển du lịch sinh thái tại Quảng Nam, ngoài sản phẩm du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, hoạt động phát triển du lịch sinh thái tại đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Phần lớn các chương trình du lịch sinh thái do các công ty du lịch ở Hội An xây dựng hiện mới dừng lại ở nội dung của các chương trình du lịch mang tính tổng hợp. Trong số những chương trình du lịch hiện nay, chỉ có chương trình “Người ngư dân và những tuyến đường thủy” do Công ty Du lịch Hội An Ecotour xây dựng và cung cấp được xem là chương trình du lịch mang màu sắc của một chương trình du lịch sinh thái, với trọng tâm là rừng dừa nước. Tuy nhiên, nội dung của chương trình du lịch sinh thái này chỉ kéo dài khoảng nửa ngày, với những dịch vụ, hoạt động du lịch cung cấp cho du khách chưa hoàn thiện so với yêu cầu của một chương trình du lịch sinh thái đích thực. Trong chương trình du lịch sinh thái rừng dừa, còn thiếu các hoạt động để du khách có được những trải nghiệm về tri thức bản địa trong việc khai thác, sử dụng cũng như bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông ven biển, thiếu những hoạt động thể hiện sự đóng góp của du lịch vào hoạt động bảo tồn giá trị của hệ sinh thái dừa nước và những hoạt động giao tiếp ấn tượng giữa du khách với cộng đồng địa phương.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên chủ yếu xuất phát từ nhận thức xã hội, đặc biệt là nhận thức của các cấp quản lý về du lịch sinh thái còn chưa đầy đủ. Năng lực quản lý và kỹ năng nghề của các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường đối với người dân địa phương và khách du lịch chưa rõ ràng và chưa được quan tâm. Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu, thể hiện rõ qua việc đường giao thông để vào rừng dừa còn khó khăn, xe ô tô 16, 29, 35 sẽ dễ tiếp cận hơn xe 45 - 50 chỗ. Hiện nay, nơi đây chỉ có một số ngôi lều được dựng khá đơn sơ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách. Khả năng giao tiếp với khách du lịch của người dân địa phương còn hạn chế... Hơn nữa, phát triển du lịch sinh thái tại rừng dừa chưa có những tính toán hợp lý cho vấn đề sức tải của điểm đến, gây khó khăn cho việc phát triển bền vững tại đây.
Phát triển du lịch sinh thái tại rừng dừa Bảy Mẫu
Để du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh nói riêng, Hội An nói chung thực sự phát triển đúng hướng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có, thiết nghĩ Du lịch Quảng Nam cần tiến hành một số giải pháp cụ thể như sau:
Có sự đầu tư và kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên, xã hội, cộng đồng địa phương, cơ sở vật chất/cơ sở hạ tầng... Trong đó, xác định tài nguyên thiên nhiên và con người là những nguồn lực chính, để từ đó có sự kết hợp với các nguồn lực khác. Kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp lữ hành, của chính quyền để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng nhằm níu giữ khách du lịch ở lại rừng dừa lâu hơn.
Tăng cường công tác giáo dục cho người dân địa phương, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào việc phục vụ khách kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình về những thông tin liên quan đến rừng dừa.
Đối với loại hình du lịch sinh thái, việc tính toán sức chứa của điểm đến là vô cùng quan trọng, bởi nếu không có sự tính toán cẩn thận về số lượng khách du lịch và số lượng thuyền thúng được lưu thông trong ngày thì sẽ khó kiểm soát những tác động về môi trường như: dịch vụ ăn uống, chất thải, sự cạn kiệt các trái dừa nước…
Đa dạng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch mang dấu ấn của địa phương để tạo ra sự khác biệt. Ngoài hoạt động tham quan, ngắm cảnh, xem múa thúng hiện có, các công ty lữ hành cần liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch mang nét riêng có của nơi đây, có thể là những màn hát, biểu diễn điệu hò của người Quảng Nam, hoặc cho du khách trải nghiệm chèo thuyền thúng, giăng lưới bắt cá, làm nón lá dừa....
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá danh hiệu khu dự trữ sinh quyển tại địa phương, nhất là tại vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An. Bảy tiêu chí của khu dự trữ sinh quyển cần được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân, của khách du lịch cho vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại rừng dừa. Rừng dừa nước Cẩm Thanh cần phải được bảo vệ, phục hồi và mở rộng cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu. Sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong ứng xử với thiên nhiên của con người trong khu dự trữ sinh quyển sẽ góp phần tăng cường công tác bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại xã Cẩm Thanh.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Thị Phương Anh - Bùi Thị Thu Vân (2018), “Phát triển du lịch bền vững”, NXB đại học quốc gia Hà Nội.
2. Lê Hương Giang - Hoàng Văn Thắng (2016), Giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam, Tạp chí môi trường số 2/2016…
TS. Vũ Văn Viện
ThS. Nguyễn Thúy Lan
ThS. Đặng Việt Hà
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)