Với mục đích tìm ra những giải pháp tối ưu, phù hợp với đặc điểm địa lý tự nhiên của huyện đảo để xây dựng Phú Quý thành điểm đến xanh, sạch, hấp dẫn, an toàn thân thiện và khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo của tỉnh Bình Thuận, buổi tọa đàm đã nghe TS. Trần Văn Thông, Trưởng Khoa Du lịch - Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh giới thiệu các loại sản phẩm du lịch biển đảo có thể áp dụng cho Phú Quý nói riêng và Bình Thuận nói chung như du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm, ẩm thực, lặn biển và thể thao biển.
Cùng với đó, TS. Trần Văn Thông còn đưa ra những giải pháp tối ưu để bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch biển tại những địa phương khác mà Phú Quý có thể học tập trong thời gian tới để hướng đến phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, Phú Quý cần chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, trong đó, địa phương và người dân phải là những người được hưởng lợi từ du lịch, cùng nhau xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị vốn có để du lịch phát triển bền vững tương xứng với khu du lịch cấp tỉnh.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, Ngô Minh Chính cho rằng: Phú Quý đã trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Do vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về ý nghĩa của việc phát triển du lịch, nhận thức và hành động đúng trong bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển du lịch đến năm 2030. Qua đó, tìm ra giải pháp tối ưu, phù hợp với đặc điểm tự nhiên địa phương xây dựng Phú Quý thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện, khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo Phú Quý.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã có những tham luận về những giải pháp để Phú Quý ngày càng được nhiều du khách biết đến hướng đến phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, đặt mục tiêu, thứ tự ưu tiên các hạng mục phát triển du lịch trong ngắn và dài hạn. Trong đó, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, chất lượng dịch vụ luôn đảm bảo và từng bước nâng cao.
Nguyên Vũ