Vườn quốc gia Cát Tiên - mắt xích trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, với tổng diện tích 71.920ha. Toàn bộ diện tích của Vườn quốc gia Cát Tiên là lưu vực trực tiếp của hồ thủy điện Trị An. Năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên có địa hình chuyển tiếp từ Nam cao nguyên Trường Sơn xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, chia thành 5 kiểu địa hình chính, từ kiểu địa hình đồi núi cao chia cắt mạnh ở phía Bắc trải dài đến kiểu địa hình đất ngập nước, hồ, đầm rộng lớn ở phía Nam. Độ cao so với mặt biển thấp nhất là 100m, cao nhất là 626m.
Hệ bàu ở Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích nước ngập khoảng 3.200ha vào mùa mưa. Tuy nhiên, vào mùa khô nước rút hết chỉ còn lại một số nơi có nước như: bàu Cá, bàu Chim, bàu Sấu. Nơi đây là sinh cảnh thích hợp cho hơn 60 loài chim nước như: hạc cổ trắng, già đẩy Java, le khoang cổ… và các loài cá nước ngọt, động thực vật thủy sinh và khu vực này cũng là nơi quần cư của các loài thú lớn như: heo rừng, nai, bò tót… vào mùa khô hàng năm.
Hệ thực vật ở đây chủ yếu là các loài cây gỗ thuộc họ dầu và họ đậu, đặc trưng cho các kiểu rừng ẩm nhiệt đới thường xanh của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Rừng được chia 3 kiểu chính là rừng lá rộng thường xanh, rừng thường xanh nửa rụng lá, rừng thường xanh rụng lá. Hai kiểu phụ là rừng hỗn giao gỗ tre và rừng tre nứa thuần loại.
Hiện nay đã thống kê được ở Vườn quốc gia Cát Tiên có 1.610 loài thực vật, trong đó có 38 loài có giá trị bảo tồn gen, 22 loài đặc hữu, 511 loài cây gỗ, 550 loài cây thuốc và nhiều loài có giá trị khác.
Về động vật, Vườn quốc gia Cát Tiên đã ghi nhận được 103 loài thú, 348 loài chim, 120 loài bò sát và lưỡng thê, 130 loài cá nước ngọt, 435 loài bướm. Nhiều loài động vật quý hiếm, đặc hữu thuộc Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: tê giác Việt Nam (Rhinoceros sondaicus unnamiticus), gà so cổ hung (Arborophyla davidi), cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)…
Các loại hình du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên
Du lịch mạo hiểm: Du khách có thể đi xuyên rừng, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở để tận hưởng những kỳ bí của thiên nhiên.
Du lịch nghiên cứu, học tập: Cát Tiên là khu vực được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học, thu hút nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên đến đây.
Du lịch nghỉ dưỡng: Không khí trong lành và sự tĩnh lặng của núi rừng sẽ đem đến cho du khách những giây phút thư giãn đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên.
Du lịch hội nghị: Các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phòng họp có sức chứa lên đến 100 người cùng các trang thiết bị phục vụ tiện nghi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hội thảo, hội nghị.
Du lịch khám phá: Đối với những du khách yêu thích tìm hiểu thiên nhiên, con người, Cát Tiên là một kho tàng kiến thức hấp dẫn và phong phú sẵn sàng chờ đón du khách.
Du lịch sinh thái nông nghiệp: Du khách sẽ cảm thấy thú vị khi được cùng tham gia với người dân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tự tìm hiểu quy trình tạo ra những sản phẩm thổ cẩm, sản phẩm tơ tằm…
Du lịch sinh thái nhân văn: Tham quan tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào địa phương, di chỉ văn hóa Óc Eo.
Các điểm du lịch được du khách yêu thích tại Vườn quốc gia Cát Tiên
Rừng bằng lăng thuần loại: Trên tuyến tham quan dài khoảng 3km, du khách sẽ được thấy cánh rừng bằng lăng gần như thuần loại. Vào đầu mùa khô, rừng bằng lăng chuẩn bị thay lá, những lá xanh sắp rụng chuyển sang màu đỏ tạo nên một khung cảnh rất đẹp. Trên tuyến này quý khách có thể thấy được những loài cây lớn, quý hiếm, đặc trưng cho vùng Đông Nam Bộ như: cẩm lai bông, gõ đỏ, gõ mật…
Thác Bến Cự: Thác Bến Cự nằm cách trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 1km nên du khách có thể đến đây bằng ô tô hoặc xuồng máy. Từ thác, du khách thỏa thích ngắm nhìn đảo Tiên thơ mộng như một cù lao nổi mọc giữa sông Đồng Nai với kiểu rừng kín thường xanh với nhiều cây gỗ cổ thụ xen lẫn với tiếng chim hót, âm thanh của dòng thác chảy.
Thác Mỏ Vẹt: Nằm bên cạnh đảo Tiên, cách trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 1km nên du khách có thể tham quan thác Mỏ Vẹt bằng xuồng máy hoặc ca nô. Đến đây du khách được thưởng ngoạn cảnh sông núi hùng vĩ giữa những cánh rừng nguyên sinh.
Cây gõ Bác Đồng: Đây là một trong những loài cây gỗ quý hiếm ở Vườn quốc gia Cát Tiên, đường kính khoảng 2m, có khoảng hơn 500 tuổi. Trên điểm tham quan là kiểu rừng kín thường xanh có các loài ưu hợp thuộc họ đậu như: gõ đỏ, cẩm lai..., ngoài ra còn có cây đa rừng, bằng lăng…
Bàu Chim: Trên tuyến tham quan, du khách sẽ tận mắt thấy nhiều cây gỗ đại thụ như sao đen, dầu rái… Điểm cuối cùng dừng chân là chòi quan sát, du khách có thể quan sát nhiều loài chim nước, đặc biệt là các loài quý hiếm, các loài chim di trú theo mùa cũng dễ phát hiện ở đây.
Thác Trời, thác Dựng: Nằm trên dòng sông Đồng Nai, tại đây có thác Dựng, phía trên cù lao là thác Trời có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình, có bãi cát vàng và các bờ đá chạy dọc sông là nơi để du khách ngồi nghỉ chân và thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên.
Cây si: Thời điểm tham quan tốt nhất điểm cây si là từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Cây si khổng lồ mọc giữa dòng suối, có bộ rễ rất to và chia làm nhiều nhánh, phía dưới là dòng suối nhỏ, nước trong veo và chảy róc rách quanh năm. Đến đây, du khách cũng được ngắm nhìn nhiều loài chim như: cu rốc bụng nâu, cu rốc đầu xám, phường chèo, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy công.
Di chỉ nền văn hóa Óc Eo: Từ trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên, du khách đi ô tô xuyên rừng tới xã Đắc Lua, và qua phà đến địa phận xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng sẽ tận mắt chứng kiến ngôi đền thờ cổ có di chỉ của nền văn hóa cổ Óc Eo. Đền thờ nằm trên đồi cao, bên cạnh có con sông Đồng Nai chảy êm đềm. Cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn và huyền thoại trong việc xây dựng ngôi đền thờ này.
Làng đồng bào dân tộc ở Tà Lài: Đây là khu định canh định cư của đồng bào dân tộc S’Tiêng và Châu Mạ, có lịch sử gắn liền với chiến khu D anh hùng trong những năm kháng chiến. Đến đây, du khách có thể giao lưu và thưởng thức những vũ điệu, lễ hội truyền thống của người đồng bào dân tộc.
Tác động của hoạt động du lịch đối với môi trường, đời sống kinh tế ở địa phương
Thuận lợi
Vườn quốc gia Cát Tiên có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp với kiểu rừng kín ẩm nhiệt đới thường xanh, nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu. Đây là một trong những địa điểm dễ quan sát các loài thú lớn ở Việt Nam hiện nay.
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu và một số bàu nước lân cận là hệ sinh thái nhạy cảm và đặc thù của Vườn quốc gia Cát Tiên. Nguồn nước trung tính, chưa bị ô nhiễm là sinh cảnh tuyệt vời của các loài động thực vật thủy sinh, cá sấu nước ngọt, các loài chim nước, các loài thú lớn (bò tót, nai, heo rừng…) thường quần cư ở khu vực này vào mùa khô. Vì thế, nơi đây luôn là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khoa học và du khách trong và ngoài nước.
Vườn quốc gia Cát Tiên có nền văn hóa lịch sử lâu đời, có di chỉ nền văn hóa cổ Óc Eo vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, di tích lịch sử chiến khu D anh hùng, các phong tục truyền thống lễ hội của đồng bào dân tộc Châu mạ, S’Tiêng như văn hóa cồng chiêng, cúng giàng…
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên tuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Nha Trang, cách thành phố Hồ Chí Minh 150km nên rất thuận lợi cho du khách tham quan. Hơn thế nữa, trên đường đến Vườn quốc gia Cát Tiên, du khách có cơ hội tham quan những điểm du lịch khác như: đá Ba Chồng, thác Ba Giọt, suối Mơ, thác Mai, suối nước nóng, suối Madagui….
Gần đây các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật khu di tích văn hóa của người Kh’mer ở huyện Cát Tiên. Vì thế, lộ trình của các du khách lại có thêm một địa điểm tham quan mới.
Hạn chế
Việc xâm lấn đất rừng và tàn phá sinh cảnh, dưới áp lực của việc gia tăng dân số, nhu cầu đất nông nghiệp tăng lên dẫn đến nhiều diện tích rừng đã bị xâm canh làm nông nghiệp.
Việc xâm chiếm đất rừng làm tăng thêm khả năng tiếp cận đối với các khu rừng còn lại, đồng thời làm phân cách sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của các động vật.
Với mật độ dân số quanh Vườn khá cao, việc thu hái lâm sản ngoài gỗ như mây, tre hoặc các loại cây dược liệu là nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới sự suy thoái sinh cảnh và gây tác động tới các loài động vật hoang dã do hành vi săn bắn cơ hội.
Hệ thống giao thông nội bộ chủ yếu là đường mòn, nên trong mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phục vụ du khách.
Đội ngũ quản lý và nhân viên làm công tác du lịch đa số chưa được đào tạo chuyên ngành nên chất lượng phục vụ chưa cao.
Du khách đi theo đoàn đông thường gây khó khăn cho Ban Quản lý Vườn trong việc quản lý rác thải, tiếng ồn và những tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.
Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Một trong những công tác rất quan trọng cần được Vườn quốc gia cát Tiên quan tâm là đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ công tác du lịch tại Vườn. Họ phải được đào tạo về kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ du lịch, những kiến thức về mọi loại hình du lịch khác nhau. Quan trọng nhất, họ cần phải được trang bị một số kiến thức về sinh thái học, nhận thức được cả tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cát Tiên. Đặc biệt, Vườn quốc gia cát Tiên cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ ngoại ngữ, do khách nước ngoài đến tham quan Vườn chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng số khách. Làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cho hướng dẫn viên cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch.
Việc sử dụng và đào tạo người địa phương vào hoạt động du lịch vừa giúp họ có việc làm vừa góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng dịch vụ, và họ sẽ là người bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ra sức ủng hộ du lịch sinh thái, thậm chí bảo vệ địa điểm khỏi bị săn bắt trộm hoặc các xâm phạm khác.
Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật
Cơ sở hạ tầng nói chung có vai trò đặc biệt đối với việc đẩy mạnh du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Vì vậy, để phát triển du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia cát Tiên cần xây dựng lại hệ thống giao thông trên các tuyến du lịch; xây dựng hệ thống nhà nổi, cầu nổi ở những khu vực ngập lũ như Bàu Sấu, Bàu Chim…
Cơ sở phục vụ ăn uống, lưu trú cũng góp phần quan trọng trong dịch vụ du lịch. Do đó, để du lịch sinh thái của Vườn quốc gia cát Tiên phát triển, ngoài việc xây dựng cơ sở phục vụ ăn uống, lưu trú bên kia bờ sông Đồng Nai, cần tổ chức nơi ăn ở, nơi làm việc cho sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học bên trong vùng lõi, tạo điều kiện cho họ học tập và nghiên cứu.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống bảo hiểm, các phương tiện bảo đảm an toàn sức khỏe tại các điểm, các tuyến du lịch. Hơn thế nữa, tại các điểm, các tuyến du lịch cần xây dựng các nhà vệ sinh tạm, các thùng chứa rác để tránh tác hại ô nhiễm, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh cho khách du lịch.
Tuyên truyền, quảng bá du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên
Vườn quốc gia Cát Tiên cần xây dựng các bảng chỉ dẫn, in ấn các tờ rơi, các tài liệu thông tin cho du khách. Các loại thông tin mà Vườn cần quảng bá là danh mục các loài chim, thú, các tuyến du lịch trong Vườn, băng ghi hình giới thiệu về Vườn, những kiến thức sinh thái học mà du khách sẽ được cung cấp, các phương tiện đi lại, giá cả của mỗi tuyến… Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch, các tuyến du lịch trong Vườn trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền hình, website…).
Bảo vệ môi trường
Tổ chức tuyên truyền và phát tài liệu cho người dân và học sinh các xã vùng đệm về bảo tồn đa dạng sinh học và tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng giờ trái đất qua hình thức: cắt điện toàn cơ quan 1 giờ vào buổi tối, sinh hoạt lửa trại, tuyên truyền qua thư ngỏ, tờ rơi, chiếu phim về môi trường.
Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin và biên soạn tài liệu, bản tin về các hoạt động của Vườn để phân phát đến các Trạm, đội kiểm lâm, các đơn vị và địa phương vùng đệm, đồng thời cung cấp nhiều bản tin Vườn quốc gia Cát Tiên cho các trường học.
Xây dựng mô hình phát triển bền vững du lịch sinh thái
Vườn quốc gia Cát Tiên cần kiểm soát thường xuyên đối với sự biến đổi các hệ sinh thái và môi trường tự nhiên trong phạm vi được quản lý, phải có sự đánh giá đầy đủ về hiện trạng sinh thái môi trường, các tác động chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trước và trong quá trình phát triển du lịch sinh thái để có thể đề xuất những biện pháp thích hợp trong việc điều chỉnh và quản lý các tác động tiêu cực.
Vườn quốc gia Cát Tiên có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch nằm trong nhóm phạm trù du lịch bền vững như: du lịch sinh thái, trách nhiệm, khám phá, làng quê... Vì vậy cần nhanh chóng định hướng phát triển du lịch tại Vườn, mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái dọc sông ngòi, mạnh dạn quy hoạch các đồi, bàu… thu hút khách du lịch khám phá, du lịch đi bộ hoặc leo núi… bên cạnh vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên