Kết quả của báo cáo được đúc kết từ các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với Quản lý của các khách sạn 3 - 5 sao tại nhiều địa phương, chuỗi khách sạn nội địa và quốc tế tại 3 thành phố lớn của Việt Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo báo cáo, mô hình “Khách sạn xanh” đã trở thành xu hướng nổi bật trong lĩnh vực lưu trú và ngành khách sạn trên khắp thế giới. Những năm gần đây, sự thay đổi trong nhận thức, hành vi và sở thích của du khách hướng tới phát triển bền vững đang ngày càng được định hình rõ rệt, vì vậy “thực hành xanh” cũng trở thành yếu tố và tiêu chí tiên quyết trong việc xây dựng, kinh doanh và vận hành khách sạn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú tại Việt Nam đã từng bước cập nhật và áp dụng các biện pháp khác nhau để có thể đồng hành và theo kịp xu hướng này.
Một cơ sở lưu trú khi muốn áp dụng các biện pháp bền vững vào hệ thống cần tập trung vào 3 yếu tố nền tảng quan trọng: năng lượng, nước và chất thải. Quản lý chặt chẽ và xử lý thành công những yếu tố nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể các tác động của khách sạn đối với môi trường, xây dựng được lòng tin đối với khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tại các khách sạn Việt Nam hiện nay, các nhà quản lý nhận định rằng, 2 xu hướng về thực hành xanh đang tồn tại bao gồm: xây dựng xanh và vận hành xanh. Tuy nhiên, xây dựng một cơ sở vật chất bền vững vẫn là một câu hỏi đang còn để ngỏ của ban quản lý khách sạn khi ở khá nhiều khách sạn tại Việt Nam hiện nay, việc xây dựng này không được can thiệp các biện pháp thân thiện ngay từ đầu. Bởi vậy, tiếp cận xu hướng vận hành xanh đang được nhiều khách sạn lựa chọn.
Bên cạnh đó, 5 yếu tố chính được xem là rào cản của các khách sạn Việt Nam trong việc áp dụng “thực hành xanh”, đó là: vốn đầu tư, điạ điểm, quy định và hướng dẫn thực hiện, ý kiến khách hàng, và sự tham gia của nhân viên. Dù hiểu rõ việc đầu tư vào các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả sẽ tiết kiệm chi phí trong dài hạn nhưng do chi phí ban đầu cao sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, các khách sạn có vị trí tại các thành phố lớn, đông dân cư cũng đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán xây dựng xanh tại cơ sở. Ý kiến từ các cuộc phỏng vấn cũng cho thấy, việc thiếu hướng dẫn và đồng hành của đơn vị trung ương và chính quyền địa phương khiến các doanh nghiệp chưa thể thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong việc kết hợp vận hành kinh doanh và thực hành bền vững. Vì vậy, vai trò của du khách và nhân viên khách sạn được biết đến như những yếu tố then chốt của quá trình này.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, trong báo cáo Xu hướng “Going Green” trong các khách sạn tại Việt Nam cũng đưa ra những phân tích về sự thay đổi trong lựa chọn, thái độ và hành vi của khách du lịch; các xu hướng về “phủ xanh” của ngành khách sạn thế giới, thay đổi nhận thức của các nhà quản lý về xu hướng mới này, từ đó đưa ra những hướng tiếp cận phù hợp và hiệu quả.
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định đồng bộ và chứng nhận xanh tại Việt Nam hiện nay. Chứng nhận này không những giảm thiểu các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh và tăng lòng tin của khách hàng mà còn tạo động lực cho các khách sạn đang nghiêm túc thực hiện hoạt động này.
Anh Minh