Điểm đến du lịch hấp dẫn
Bờ vịnh Xuân Đài dài khoảng 50km, chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi khá thú vị như: gành Đèn, mũi đá Ong, gành Đen, gành Đỏ, gành Bà, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Chào... Trong vịnh còn có những cù lao, đảo nhỏ, cồn cát rất đẹp... Dưới biển có nhiều loại san hô và rong biển, với những đặc sản nổi tiếng như ốc nhảy, tôm hùm, tôm tít, ốc hương, tôm, cua, ghẹ....
Vùng phụ cận của vịnh Xuân Đài, phía cửa Nam vịnh Xuân Đài là thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan với đặc sản nổi tiếng như sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, rau câu..., hòn lao Mái Nhà với diện tích khoảng 1,2 km2 với bãi biển cát trắng mịn, nhiều san hô… Phía Bắc là bãi biển Từ Nham với bãi cát trắng chạy dài trên 10km rất thích hợp để đầu tư những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Vịnh Xuân Đài chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: vào những năm 1775 - 1801 nơi đây đã diễn ra cuộc thủy chiến giữa quân Tây Sơn với nhà Nguyễn; trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tàu hải quân của quân đội Nhật Hoàng bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh Xuân Đài… Vũng Lắm là thương cảng sầm uất bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ, là cửa ngõ thông thương giữa Phú Yên với bên ngoài. Đây là nơi phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ do Edmund Roberts cầm đầu đến thăm nước Đại Nam vào đời Minh Mạng năm 1832.
Vịnh Xuân Đài là nơi lý tưởng để tổ chức thành khu du lịch với các loại hình du lịch thể thao leo núi, lặn biển, đua thuyền, lướt sóng và khám phá đại dương, gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, làng nghề,...
Thời gian qua, việc phát triển du lịch khu vực Xuân Đài và vùng phụ cận còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực mạnh; hạ tầng du lịch còn hạn chế; việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản chưa hài hòa, xả chất thải không đúng có nguy cơ ô nhiễm môi trường... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó như: công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, kinh phí dành cho xúc tiến còn hạn chế, chưa có chiến lược, giải pháp xúc tiến, quảng bá vịnh Xuân Đài…
Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định quy hoạch khu vực vịnh Xuân Đài thành một khu du lịch quốc gia. Trong Quy hoạch phát triển Du lịch Phú Yên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 cũng xác định quy hoạch khu vực vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa thành khu du lịch quốc gia.
Marketing điểm đến nhằm phát triển du lịch vịnh Xuân Đài
Nghiên cứu thị trường, phân khúc, lựa chọn thị trường mục tiêu định vị thị trường.
Từ thực tế phát triển thị trường du lịch của Phú Yên thời gian qua, xu thế phát triển thị trường khách du lịch Việt Nam và khu vực, có thể xác định thị trường trọng điểm có khả năng đến Phú Yên và vịnh Xuân Đài nói riêng trong tương lai gần là: khách du lịch từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bằng đường hàng không; đường bộ từ Bình Định, Khánh Hòa khi hầm đường bộ Đèo Cả và Đèo Cù Mông hoàn thành; đặc biệt chú trọng phát triển thị trường khách từ các tỉnh Tây Nguyên. Thị trường khách du lịch quốc tế đến Phú Yên phần lớn là các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); thị trường các nước Đông Nam Á (trong đó chủ yếu là Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan). Mặt khác, hiện nay vịnh Xuân Đài cần phải được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đa dạng sản phẩm du lịch, vì thế trong marketing xúc tiến điểm đến còn nhắm đến đối tượng là các nhà đầu tư trong và ngoài nước..
Xác định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, định vị thương hiệu điểm đến du lịch vịnh Xuân Đài
Để xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài, cần có những khảo sát, điều tra, đánh giá tài nguyên, tiềm năng du lịch, những đặc điểm nổi trội có tính đặc trưng cao, xác định những nét độc đáo, đặc trưng riêng có của vịnh Xuân Đài để đề xuất thương hiệu du lịch: “Quyến rũ vịnh Xuân Đài”.
Định hướng và quản trị sản phẩm du lịch
Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên thực hiện cuộc điều tra từ khách du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch (trên 500 phiếu điều tra) phục vụ xây dựng sản phẩm du lịch biển khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận. Kết quả như sau:
Đánh giá những yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch và những lợi thế của khu vực cho thấy mức độ thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch rất khác nhau. Tuy nhiên, các loại hình du lịch chính của khu vực vịnh Xuân Đài là: tham quan thắng cảnh, nghỉ biển, sinh thái, thể thao, mạo hiểm, tàu biển, văn hóa và lễ hội. Trong đó du lịch tham quan vịnh kết hợp nghỉ dưỡng tắm biển vừa mang tính đặc trưng vừa là một thế mạnh của khu vực.
Căn cứ đặc điểm tài nguyên du lịch, nhu cầu thị trường khách du lịch đến Phú Yên, kết quả điều tra khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận đồng thời dựa trên các mô hình xây dựng sản phẩm du lịch trên, có thể định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù khu vực vịnh Xuân Đài theo 4 không gian chính như sau:
Không gian 1 - Khu vực trung tâm của vịnh Xuân Đài: là trung tâm du lịch chính, là khu trung chuyển khách du lịch đi đến các khu, điểm du lịch trong vịnh và vùng phụ cận; là không gian chủ đạo của các dịch vụ du lịch: lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển khách…. Khu vực này nằm dọc theo tuyến quốc lộ I, chạy dọc ven biển từ gành Đỏ (phường Xuân Đài) ra đến khu vực Lệ Uyên (phường Xuân Yên).
Không gian 2 - Khu vực phía Bắc vịnh Xuân Đài và bãi biển Từ Nham: Đây là không gian chủ đạo của hoạt động nghỉ dưỡng biển cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ khác, bao gồm: bãi biển Từ Nham (xã Xuân Thịnh), mũi Cổ Cò, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Chào, vũng Me…
Không gian 3 - Khu vực phía Nam vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận gành Đá Đĩa: là không gian chủ đạo của hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, nghiên cứu địa chất, khám phá biển đảo…, bao gồm: gành Đá Đĩa, Bãi Bàng, gành Đèn - Hải đăng, Hòn Yến…
Không gian 4 - Khu vực phía Đông Bắc vịnh Xuân Đài: là không gian chủ đạo của các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, leo núi, lặn biển, đua thuyền, lướt sóng, du lịch dã ngoại, khám phá đại dương, tham quan nghề nuôi tôm hùm lồng, thưởng thức đặc sản biển..., bao gồm: mũi Động Tranh, gành Tướng, vũng La, bãi Ôm, mũi Tai Mã…
Tổ chức quảng bá và xúc tiến hỗn hợp
Xây dựng chiến lược, kế hoạch marketing du lịch vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận phù hợp với chiến lược marketing du lịch Phú Yên và những dấu ấn riêng của khu vực; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch của tỉnh; bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, ngoại ngữ bằng nhiều hình thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại chỗ thông qua khách du lịch đến Phú Yên; tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch khu vực vịnh Xuân Đài; tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao lớn trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát trong và nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, đưa tin về du lịch khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong quảng bá, xúc tiến du lịch: xây dựng và duy trì hoạt động của cổng thông tin điện tử du lịch vịnh Xuân Đài mang tính chuyên nghiệp; quảng bá trên các trang mạng xã hội và công cụ tra cứu du lịch….
Marketing phối hợp giữa các đối tác
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch đòi hỏi phải lập kế hoạch cho các hoạt động, chương trình xúc tiến trước thời điểm diễn ra sự kiện ít nhất từ một đến hai năm. Do đó, cần có các chính sách cụ thể nhằm tạo nguồn kinh phí cho công tác xúc tiến du lịch của tỉnh, đồng thời cần có cơ chế cấp, sử dụng nguồn tài chính hợp lý cho công tác xúc tiến du lịch tỉnh Phú Yên.
Thực hiện marketing điểm đến du lịch vịnh Xuân Đài sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch phục vụ trực tiếp hoạt động du lịch khu vực thị xã Sông Cầu, hiện thực hóa các định hướng phát triển trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên.
Tiến sỹ Karl Albrecht - thành viên của Hiệp hội marketing điểm đến đa quốc gia (DMAI) cho rằng, marketing điểm đến du lịch là “cách thức tiếp cận với sự phát triển kinh tế và văn hóa của một khu vực (vùng, miền) một cách chủ động, chiến lược và tập trung vào con người đồng thời giúp cân bằng và hòa nhập những lợi ích của khách du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng tại đó”. |
Tài liệu tham khảo:
1.PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, TS Nguyễn Đình Hòa, (2008), Giáo trình Marketing du lịch, Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân
2.Philip Kotler, et al, (2002), Marketing Asian Places (Marketing địa phương Châu Á) - Bản dịch của Chương trình Fulbright, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
3.Bộ VHTTDL, (2014), Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020
Phạm Văn Bảy
(Tạp chí Du lịch)