Số khách du lịch nội địa tăng khoảng 17,5 lần (từ 01 triệu lượt khách năm 1990 tăng lên 17,5 triệu năm 2006). Thu nhập xã hội từ du lịch tăng gấp trên 22 lần đạt trên 2,85 tỷ USD/năm chiếm 4,3% GDP của cả nước.
HẤP DẪN DU LỊCH BIỂN ĐẢO
Biển và đảo hấp dẫn du khách bởi khí hậu trong lành, nước biển trong xanh có tác dụng chữa bệnh tốt, du khách có thể phơi mình suốt ngày trên bãi cát trắng để tận hưởng ánh nắng mặt trời và tham gia vào các loại hình du lịch đa dạng như: lặn biển, lướt ván, bơi thuyền... Xuất phát từ nhu cầu của con người, nhiều bãi biển nổi tiếng trên thế giới và khu vực đã thu hút một số lượng lớn khách du lịch như: ven biển Địa Trung Hải, vùng biển Caribê, các đảo trên Thái Bình Dương( Hawai, Fiji...), đảo Bali (Iđônêxia), Phuket, Pattaya (Thai Lan), Hải Nam (Trung Quốc)...
Các tỉnh ven biển và các đảo của nước ta có tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, đó là các di tích, danh thắng, các lễ hội, các điều kiện để tổ chức loại hình du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lặn biển, du lịch thể thao trên biển... Số lượng khách du lịch hàng năm đến các bãi biển, các khu du lịch của các tỉnh có biển chiếm trên 60% số lượng khách du lịch trong cả nước. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch vùng ven biển ngày càng phát triển, điển hình là có tới 3.428 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với trên 71.085.000 buồng[1], chiếm 42% tổng số buồng khách sạn trong cả nước và cùng với các cơ sở phục vụ ăn, uống, mua sắm, giải trí, chữa bệnh khác. Những hoạt động du lịch đã tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp phục vụ khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập cho các tầng lớp dân cư và địa phương.
PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN
Trong những năm qua, ngành y tế ở các tỉnh ven biển và các đảo đã góp phần quan trọng cho việc phát triển du lịch thông qua những hoạt động như: phòng chống bệnh dịch; bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng dân cư địa phương và những người trực tiếp phục vụ khách du lịch; kiểm tra vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các cơ sở du lịch; sơ cấp cứu ban đầu cho khách du lịch; hợp tác với các cơ sở du lịch để tổ chức các loại hình du lịch chữa bệnh...
Nghị quyết 04 của Ban chấp hành TW Đảng khoá X đã xác định:” Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với 4 ngành kinh tế trọng điểm gồm dầu khí, du lịch, hàng hải, khai thác hải sản đã xác định tập trung phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển”. Nhằm thực hiện mục tiêu này, ngành y tế có vị trí và vai trò to lớn không chỉ đối việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống và sức khoẻ của nhân dân vùng biển và ven biển mà cả đối với bốn ngành kinh tế trọng điểm, đặc biệt đối với ngành Du lịch.
Hoạt động du lịch trực tiếp phục vụ con người, có liên quan đến nhiều ngành, đồng thời đòi hỏi một sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch đi theo loại hình du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nguồn khách tiềm năng về loại hình du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Du lịch chữa bệnh là một trong những loại hình du lịch phát triển từ xa xưa, chủ yếu phát triển tại những nơi có nguồn nước khoáng, vùng núi và vùng ven biển với mục tiêu khai thác các tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, không khí, cỏ cây thiên nhiên...) phục vụ việc điều dưỡng và chữa bệnh cho con người. Ngày nay, nhiều nước đã phát triển du lịch chữa bệnh như một loại hình du lịch cơ bản để thu hút khách từ mọi điểm dân cư trên thế giới đến du lịch và chữa bệnh. Singapore, Thái Lan sử dụng những thành quả của y tế hiện đại thu hút khách du lịch đến chữa bệnh và điều dưỡng, Trung Quốc sử dụng nền y học dân tộc để chữa bệnh và điều dưỡng cho khách du lịch, đồng thời cũng phát triển ngành dược học dân tộc để sản xuất thuốc bán cho khách du lịch. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh vùng ven biển và trên các đảo phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới và khu vực.
Ở nước ta, cơ sở cho loại hình du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng có tiềm năng rất lớn, đó là các nguồn nước khoáng, nước biển, bùn, thực vật, động vật, thuỷ hải sản, ẩm thực theo nguyên lý cân bằng âm - dương, y học dân tộc cổ truyền như châm cứu, xoa bóp..., có thể chữa được rất nhiều loại bệnh và thu hút đông đảo khách du lịch ở trong nước và nước ngoài. Nhưng trong những năm qua, việc khai thác các cơ sở này để phục vụ sự phát triển du lịch còn hạn chế, nguyên nhân cơ bản của vấn đề này chính là sự phối kết hợp giữa ngành Du lịch và ngành Y tế. Ngành Du lịch chưa nghiên cứu thị trường và đặt hàng cho ngành Y tế nghiên cứu triển khai còn ngành Y tế chưa chủ động nghiên cứu và đề xuất với ngành Du lịch để triển khai loại hình du lịch chữa bệnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm Du lịch Việt Nam.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
1. Với phương châm “ngành Y tế vừa chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, vừa phát triển các dịch vụ y tế phục vụ con người, trong đó có khách du lịch nhằm tạo ra nguồn kinh phí lớn bổ sung cho hoạt động của mình” cần có sự phối hợp nghiên cứu và triển khai với ngành Du lịch đảm bảo cho hai ngành phát triển.
2. Cần tập trung nghiên cứu các loại hình du lịch chữa bệnh của Việt Nam, đặc biệt là loại hình du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng ở vùng biển và đảo mang tính đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn và mang tính dân tộc, hiện đại để quảng bá thu hút khách du lịch trong nước và khách du lịch nước ngoài. Đây chính là cơ sở định hướng phát triển chuyên ngành y học biển, đảo kết hợp loại hình du lịch chữa bệnh. Trên có sở này tiến hành đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển của loại hình du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng.
3. Tiến hành xây dựng mạng lưới y tế biển đảo cần kết hợp với việc phục vụ khách du lịch thông qua sơ cấp cứu ban đầu và kết hợp với các dịch vụ du lịch chữa bệnh, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ bán thuốc y học cổ truyền dân tộc... nếu như những nơi đó phát triển du lịch.
4. Thực hiện công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ không chỉ cho mạng lưới y tế biển đảo mà cả các cán bộ, nhân viên phục vụ du lịch để cho họ có những kiến thức cơ bản về bảo vệ sức khỏe cho họ và cho khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch cũng như danh tiếng và uy tín của cơ sở du lịch.
TS. TRỊNH XUÂN DŨNG
CN. PHẠM VĂN TÚC
(Xem chi tiết trên Tạp chí DLVN số tháng 12/2007)