Phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long
 |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Hội thảo thu hút được hơn 100 đại biểu và nhận được trên 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước, doanh nghiệp về lĩnh vực quản lý, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) và bảo vệ môi trường du lịch; phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường du lịch...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ: "Bảo vệ môi trường du lịch, phát triển DLCĐ là hướng phát triển bền vững mà Du lịch Việt Nam đang hướng tới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng cục Du lịch chỉ đạo Tạp chí Du lịch Việt Nam – cơ quan thông tin, nghiên cứu lý luận và khoa học của Ngành phối hợp với Sở Thương mại - Du lịch Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn được nghe những ý kiến tham luận thật sát với thực tế, xác định được thế mạnh và khó khăn đặc thù của du lịch ĐBSCL, đi thẳng vào những vấn đề còn bất cập trong quá trình tạo ra các sản phẩm DLCĐ, bảo vệ môi trường du lịch tại khu vực ĐBSCL. Từ đó, đưa ra các yêu cầu, biện pháp mang tính khả thi nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của vùng đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để phát huy lợi thế của từng vùng, miền, từng địa phương và cả nước cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững trong những năm đầu Việt Nam hội nhập WTO và trong tương lai".
 |
Biển Ba Động - Trà Vinh |
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết nêu bật thế mạnh điểm, yếu của DLCĐ tại ĐBSCL, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn để phát triển DLCĐ khu vực ĐBSCL nói riêng và du lịch nói chung.
Theo TS. Nguyễn Phú Đức - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì phát triển DLCĐ cần chú ý gìn giữ văn hóa bản địa, tránh sự xâm thực văn hóa ngoại lai, vì không giữ được bản sắc riêng cũng đồng nghĩa với việc mất đi sản phẩm đích thực của DLCĐ. Bên cạnh đó, cần tạo ra các sản phẩm hàng hóa mang những nét đặc trưng riêng của từng địa phương làm quà lưu niệm cho du khách và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư. Để phát triển DLCĐ có hiệu quả và mang tính bền vững thì vấn đề rất quan trọng là làm tốt việc phân chia lợi nhuận và quyền lợi giữa địa phương, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp du lịch.
 |
Ao Bà Om |
Phó Giám đốc Sở Thương mại -Du lịch Vĩnh Long Nguyễn Khắc Nhu đề xuất cần quy hoạch khu du lịch chuyên đề miệt vườn sông nước tại ĐBSCL, từ đó có cơ chế thu hút đầu tư, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch toàn khu vực.
Rất nhiều đại biểu có chung suy nghĩ băn khoăn: quy hoạch du lịch khu vực ĐBSCL hiện chưa có (nếu có cũng chỉ từng khu riêng biệt) sức hút các nhà đầu tư kém dẫn đến tình trạng phát triển du lịch manh mún, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Các đại biểu đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long để du lịch khu vực phát triển một cách bền vững.
Ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nghiên cứu và đánh giá cụ thể về du lịch khu vực ĐBSCL, những điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương; từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể, tìm ra những mô hình phát triển DLCĐ đạt hiệu quả cao, có thể nhân rộng trong toàn khu vực.
Giám đốc Công ty lữ hành Bến Thành Tourist Lại Hữu Phương phsat biểu cần rà soát lại các khu du lịch tại ĐBSCL để tìm ra những điểm khác biệt, từ đó đẩy mạnh đầu tư tạo nên điểm nhấn của từng khu góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; mặt khác, vấn đề môi trường ở chợ nổi, các nhà dân có dịch vụ homestay và các khu du lịch… cần được giữ gìn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến du khách; hiện nay, trước tình trạng "cháy phòng" khách sạn tại các đô thị du lịch như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh các công ty lữ hành có xu hướng muốn giãn khách sang các địa phương khác, nên dịch vụ homestay của khu vực ĐBSCL nếu đáp ứng được các yêu cầu cần và đủ cho cở sở lưu trú du lịch sẽ thu hút được nhiều khách. Ông Phương đề xuất, Topten khách sạn 2007 nên trao giải Topten cho loại hình homestay để làm hình mẫu cho các địa phương phát triển DLCĐ.
Một thế mạnh của du lịch ĐBSCL đó là cruise tour (tuyến tàu sông), nhiều đại biểu đề xuất nên xây dựng các tuyến du lịch đường sông, nếu làm tốt sẽ tạo được điểm nhấn, làm động lực phát triển du lịch toàn khu vực. Để làm được việc này, các đại biểu gợi ý nên thành lập công ty vận tải đường sông làm đầu mối để tổ chức tốt các tour tại ĐBSCL, nối tour với Campuchia và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Theo TS. Trịnh Xuân Dũng - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch trong 6 nước dòng Mê Kông chảy qua, ĐBSCL - Việt Nam được xác định là có nhiều điều kiện phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển. Các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần quan tâm thu hút khách du lịch nội địa; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nên có sự liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp tuyển dụng và địa phương, chú ý đến đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng, đưa các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng; tranh thủ nguồn vốn viện trợ của nước ngoài để quy hoạch, đào tạo nhân lực và nối mạng với tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Về cơ sở lưu trú du lịch của khu vực còn nhiều hạn chế, nhiều đại biểu cho rằng cần có cơ chế riêng trong việc thu hút đầu tư cơ sở lưu trú trong khu vực vì hiện nay tại ĐBSCL chưa có khách sạn 5 sao, do đó việc tổ chức các hội nghị quốc tế, các sự kiện lớn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hiệu trưởng Trường THNV Du lịch Vũng Tàu Hồ Lý Long trăn trở bao giờ ĐBSCL có thương hiệu du lịch cộng đồng như Sapa, Hội An? Những điều kiện nào cần để xây dựng thương hiệu DLCĐ? Trả lời những câu hỏi trên, ông Hồ Lý Long cho rằng DLCĐ cần có những hạt nhân - ở đây cần hình thành một đơn vị kinh doanh du lịch chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư xung quanh như mô hình DLCĐ ở cù lao Thới Sơn đạt hiệu qua rất tốt thời gian qua. Phát triển DLCĐ cần quan tâm đến yếu tố văn hóa, lối sống dân cư địa phương còn phát triển DLST thì yếu tố tự nhiên là rất quan trọng; việc đào tạo cho cộng đồng không thể đại trà, cần có những chương trình ngắn phù hợp với từng đối tượng.

|
Chùa Hang |
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến về các vấn đề liên quan như cơ chế phát triển du lịch khu vực ĐBSCL; các văn bản, thông tư để triển khai Luật Du lịch; việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối các điểm du lịch trong khu vực; xây dựng mô hình cơ sở lưu trú phù hợp với từng khu du lịch, mang những nét đặc trưng của địa phương; cần xây dựng trường đào tạo nghề, nghiệp vụ du lịch đảm bảo nguồn nhân lực đủ năng lực và trình độ tại khu vực ĐBSCL…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định việc phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL là rất phù hợp. Trên cơ sở tài nguyên du lịch hiện có, các tỉnh ĐBSCL cần xác định những sản phẩm du lịch có tính liên kết tiểu vùng, mang bản sắc riêng độc đáo. Ngoài ra, ngành Du lịch các tỉnh bằng sông Cửu Long cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp về quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực, kêu gọi đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao sự cố gắng của Ban Tổ chức Hội thảo và những ý kiến phát biểu đã góp phần tạo nên sự thành công của Hội thảo. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành có trách nhiệm xây dựng, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành một số Thông tư, Thông tư liên Bộ nhằm triển khai thực hiện Luật Du lịch, tạo điều kiện phát triển du lịch ĐBSCL nói riêng và du lịch cả nước nói chung./.
Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ