Một trong những mục đích của Hội thảo “Du lịch Ninh Thuận trong liên kết phát triển vùng Nam Trung bộ” là tạo diễn đàn thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác liên vùng nhằm khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch tỉnh Ninh Thuận nói riêng, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung cho phát triển du lịch, tạo bước phát triển mạnh mẽ về du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Đồng thời, giới thiệu tiềm năng du lịch Ninh Thuận đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành nhằm đẩy mạnh đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, độc đáo cả về mặt tự nhiên và nhân văn của Ninh Thuận.
 |
Đại biểu tham dự Hội thảo |
Đánh giá về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - Đỗ Hữu Nghị cho rằng, Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải miền Nam Trung bộ có lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù ở miền biển và vùng rừng núi, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, dã ngoại, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch văn hóa - di tích lịch sử...
Nhằm từng bước chuẩn bị hội nhập quốc tế và khu vực, du lịch các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ phải vượt qua thách thức, phát huy lợi thế so sánh để tăng tốc phát triển một cách bền vững đảm bảo cho vùng là điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện đối với du khách. Điều đó tất yếu phải tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh chặt chẽ hơn nữa nhằm chuyển biến và phát huy những giá trị độc đáo về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn ở vùng cực Nam Trung bộ - gắn với CON ĐƯỜNG DI SẢN MIỀN TRUNG, HÀNH TRÌNH XUYÊN VIỆT và kết nối với CON ĐƯỜNG XANH TÂY NGUYÊN thì ngành Du lịch mới thật sự đóng vai trò quan trọng là động lực phát triển kinh tế.
Trong bài phát biểu tham luận, ông Lê Văn Lợi Giám đốc Sở Thương mại Du lịch Ninh Thuận nhấn mạnh, với những cảnh quan thiên nhiên đẹp của sông - suối - rừng - biển, các di tích lịch sử văn hóa xưa và nay cộng với khí hậu ôn hòa thì việc biến tiểu vùng Nam Trung bộ là một bộ phận của "Con đường Di sản thế giới tại miền Trung", "Hành trình xuyên Việt", kết nối tuyến "Hành lang Đông - Tây"... trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ và hấp dẫn là điều hiện thực, một khi việc liên kết hợp tác cùng nhau phát triển giữa các tỉnh trong tiểu vùng được chú trọng và đẩy mạnh.
Có thể khẳng định, khu vực miền Trung Việt Nam, với sự phát triển lâu đời trong lịch sử, văn hóa Chăm giữ một vị trí quan trọng trong phát triển du lịch. Những năm qua, văn hóa Chăm bước đầu đã được ngành Văn hóa và Du lịch chú trọng để khai thác. Điểm nhấn về văn hóa Chăm thu hút mạnh khách du lịch là khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), nhất là từ khi khu di tích này được công nhận là Di sản thế giới. Khu du lịch văn hóa dưới chân tháp Pô Klongirai cùng làng nghề gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách…
Để gắn Du lịch Ninh Thuận trong liên kết phát triển vùng Nam Trung bộ, Hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan như: Vai trò của các doanh nghiệp lữ hành trong việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại Ninh Thuận và Nam Trung bộ; Triển vọng hợp tác phát triển hoạt động du lịch giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; Vai trò và mối quan hệ hợp tác của du lịch Bình Định, Đăk Nông, Phú Yên với phát triển du lịch Ninh Thuận trong liên kết phát triển du lịch vùng Nam Trung bộ…
Với quan điểm của người quản lý về hoạt động lữ hành, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Vũ Thế Bình nêu rõ, để tạo thế và lực cho du lịch Ninh Thuận phát triển, Ninh Thuận cần tập trung phát triển theo định hướng và giải pháp sau:
1. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch Ninh Thuận: Đây là khâu rất quan trọng, quyết định đối với sự phát triển du lịch lâu dài và bền vững.
2. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch
3. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, đẩy mạnh khai thác kho tàng văn hóa đặc sắc và độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm để thu hút khách du lịch.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch Ninh Thuận qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế cũng như trong nước.
5. Tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho du lịch Ninh Thuận. Đây là khâu cốt yếu cần đột phá để thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Thuận vì con người luôn là yếu tố quyết định cho phát triển du lịch.
6. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
7. Xây dựng liên kết vùng, đặt Ninh Thuận vào trong chiến lược và kế hoạch phát triển chung của vùng du lịch Nam Trung bộ. Tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn là Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai để xây dựng các chương trình du lịch liên kết có tính khả thi.
Trên cơ sở trao đổi, đánh giá tiềm năng, những tồn tại, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển du lịch vùng Nam Trung bộ và tỉnh Ninh Thuận, xây dựng các sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm gắn phát triển du lịch Ninh Thuận với việc hợp tác phát triển du lịch các tỉnh vùng Nam Trung bộ Việt Nam, với khu vực Nam Lào và khu vực Đông, Đông Bắc Thái Lan, Hội thảo đã nêu một số kiến nghị: lãnh đạo Tỉnh và các cấp chính quyền địa phương ở Ninh Thuận cùng với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Du lịch quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để biến các chủ trương, định hướng và giải pháp phát triển du lịch thành hành động thực tiễn và tạo điều kiện cho ngành Du lịch Ninh Thuận triển khai hiệu quả và phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận, biến Ninh Thuận trở thành một điểm đến có thương hiệu và đầy hấp dẫn của du khách bốn phương.
MAI LINH
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 9/2007