Các loại hình sản phẩm du lịch Khánh Hòa
Thực tế thời gian qua, Khánh Hòa đã và đang phát triển rất mạnh các loại hình du lịch khám phá dưới đáy biển và thể thao giải trí trên biển, như: ca nô kéo dù, lướt ván, mô tô nước, đua thuyền buồm thể thao, lặn biển bằng bình khí và tham quan các sinh vật dưới đáy biển bằng tàu đáy kính… Hiện nay, Khánh Hòa đã có 10 Câu lạc bộ lặn đạt đẳng cấp quốc tế và khoảng 10 tàu đáy kính có sức chứa từ 20 đến 100 khách đang hoạt động, hàng năm thu hút từ 50.000 đến 60.000 lượt khách bơi, lặn và khoảng hơn 20.000 lượt khách tham quan bằng tàu đáy kính (nguồn cung cấp: BQL Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang). Hoạt động du lịch lặn bằng bình khí là loại hình du lịch biển có doanh thu cao, giá từ 30USD đến 60USD/giờ lặn /khách.
 |
Thành phố Nha Trang |
Những năm gần đây, loại hình kinh doanh khách du lịch đến Khánh Hòa bằng tàu biển quốc tế cao cấp cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng. Năm 2006 có 23 chuyến với 14.288 lượt khách lên bờ. Dự kiến năm 2007 có khoảng 40 chuyến, trong đó 20% loại tàu có trọng tải trên 3.000 khách, dự kiến có khoảng 30.000 lượt khách lên bờ tham quan TP. Nha Trang và các làng quê thuộc Khánh Hòa.
Để giới thiệu loại hình du lịch thể thao trên biển, từ năm 2004 trở đi, định kỳ hai năm một lần Nha Trang là điểm đến của các cuộc đua thuyền buồm quốc tế từ Hồng Kông do các Câu lạc bộ đua thuyền nổi tiếng trên thế giới cùng tham gia tổ chức, với hàng trăm vận động viên là các doanh nhân, các nhà tài chính, ngân hàng nước ngoài tham gia.
Khánh Hòa đã tổ chức thành công nhiều lần Festival du lịch biển, Festival du lịch hè Nha Trang. Tổ chức nhiều tour du lịch biển đặc sắc cho khách du ngoạn phong cảnh biển bằng tàu du lịch trong vùng vịnh Nha Trang, tham quan khu bảo tồn biển và đảo Yến.
Đối với loại hình du lịch văn hóa: lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội truyền thống - một sản phẩm du lịch văn hóa rất đặc trưng của cư dân vùng biển Khánh Hòa nói riêng và của chung cư dân vùng biển các tỉnh miền Trung. Hàng năm, tại Khánh Hòa còn diễn ra lễ hội Am Chúa và tháp bà Ponagar… là những lễ hội quan trọng của địa phương đã thu hút hàng ngàn khách hành hương về tham dự lễ và hội.
Sản phẩm du lịch của Khánh Hòa đến nay đã từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và có khả năng cạnh tranh so với các tỉnh duyên hải miền Trung như: tắm bùn khoáng nóng Tháp Bà, sử dụng sản phẩm yến sào để chữa bệnh phục hồi sức khỏe; cáp treo Vinpearl Land vượt biển dài nhất thế giới…
Hàng năm, tại TP. Nha Trang liên tục có nhiều cuộc hội nghị quy mô toàn quốc luôn được diễn ra với mọi thời điểm khác nhau trong năm.
 |
Bãi tắm Nha Trang |
Những giải pháp phát triển loại hình du lịch MICE của Khánh Hòa
Khánh Hoà sẽ tập trung triển khai ba giải pháp để phát triển loại hình du lịch MICE.
*Giải pháp 1: Tăng cường công tác quảng bá tiếp thị du lịch
Để thu hút nguồn khách du lịch MICE, ngành Du lịch Khánh Hòa phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch ra thị trường nước ngoài. Chủ động phối hợp với các tỉnh nằm trong vùng liên kết du lịch để cùng tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm du lịch ở nước ngoài. Tổ chức đưa các đoàn Famtrip và Presstrip cho các hãng lữ hành lớn trên thế giới và giới báo chí quốc tế xâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa để khảo sát, đưa tin tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của Du lịch Việt Nam và Khánh Hòa đến các thị trường du lịch lớn của thế giới.
*Giải pháp 2: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ hỗ trợ
- Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch:
Trong giai đoạn 2006 – 2010, Khánh Hòa tập trung xây dựng các cơ sở khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 4 đến 5 sao tại các vị trí thuận lợi có nhiều cảnh quan đẹp và môi trường sinh thái trong sạch, trong đó có khách sạn quy mô từ 500 phòng trở lên với đầy đủ các tiện nghi sang trọng.
Sớm xây dựng TP. Nha Trang đến năm 2010 trở thành đô thị du lịch biển hiện đại của Việt Nam, một trong những trung tâm hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí của cả nước và khu vực với cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Xây dựng vịnh Nha Trang kết hợp với đảo hòn Mun, hòn Tre và khu du lịch Bãi Dài, Bắc bán đảo Cam Ranh thành hai khu du lịch quốc gia để thu hút khách du lịch cao cấp và đủ điều kiện phục vụ loại hình du lịch MICE với quy mô lớn.
 |
Đáy biển Nha Trang |
Phát triển cảng hàng không quốc tế tại Cam Ranh; đồng thời, xây dựng hệ thống đường cao tốc để rút ngắn thời gian cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch từ cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đến TP. Nha Trang.
Chuyển cảng hàng hóa Nha Trang thành cảng du lịch; chuyển chức năng vận chuyển hàng hóa của ga Nha Trang ra khỏi TP. Nha Trang (chỉ còn chức năng vận chuyển hành khách).
- Về đầu tư phát triển các dịch vụ hỗ trợ phục vụ cho du lịch MICE:
Từ năm 2010 đến năm 2015 tại TP. Nha Trang cần phải xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại, đa chức năng kết hợp hình thành một trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế lớn và hiện đại.
*Giải pháp 3: Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho đơn vị tổ chức và đội ngũ phục vụ đối tượng khách du lịch MICE
Kinh doanh du lịch MICE là loại hình kinh doanh tổng hợp với yêu cầu dịch vụ chất lượng cao.
Do vậy, để có khả năng tổ chức và phục vụ tốt loại hình du lịch MICE các khách sạn và các đơn vị tham gia tổ chức phải chủ động đào tạo để xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhân viên có đầy đủ kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, dày dạn kinh nghiệm, đặc biệt là trình độ phiên dịch đối với một số ngoại ngữ thông dụng trong quá trình tổ chức Hội thảo mới có thể thực hiện thành công trong lĩnh vực kinh doanh còn khá mới mẻ này.
TRẦN SƠN HẢI
Giám đốc Sở DL - TM Khánh Hòa
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 9/2007