Nằm trong trung tâm văn hóa đồng bằng sông Hồng, Hà Tây mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước mà điển hình là cơ cấu tổ chức làng xã truyền thống của Việt Nam với các lễ hội truyền thống.
Hà Tây trong một năm có hơn 700 lễ hội. Lễ hội ở Hà Tây thể hiện rõ nét nhất thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt cổ qua bao thăng trầm lịch sử còn được lưu giữ và thể hiện sinh động cho đến ngày nay. Lễ hội tái hiện lại những nghi thức sinh hoạt, lễ nghi tôn thờ các vị thần linh của cư dân nông nghiệp, những sự kiện lịch sử để kỷ niệm và tôn vinh, tưởng nhớ những người có công lao với đất nước, với làng xã, các truyền thuyết dân dã của người Việt…
Lễ hội chùa Hương có thời gian dài nhất ở Việt Nam từ 6/1 đến 25/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng chục vạn lượt khách du lịch từ khắp mọi miền tổ quốc. Năm 2007, tính đến hết tháng 5 đã có trên 97 vạn lượt du khách đến lễ hội chùa Hương. Du khách thập phương về đây lễ phật cầu may và tham quan khu danh thắng chùa Hương.
Lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 - 7/3 âm lịch, trong hội có lễ rước kiệu và các trò vui dân gian múa rối nước, đấu vật… Hội bãi Tự Nhiên xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín diễn ra từ ngày 30/3 - 2/4 âm lịch kỷ niệm chuyện tình yêu giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử - một chàng trai đánh cá nghèo. Trong hội có các nghi lễ rước kiệu, dâng hương và lễ nghi miêu tả câu chuyện tình cảm động trên.
Hội hát chèo tàu xã Tân Hội, Đan Phượng, tưởng nhớ công đức của tướng Văn Dĩ Thành dưới thời nhà Trần. Trong hội có biểu diễn hát chèo tàu trên các mô hình truyền thống và các trò chơi dân gian khác. Đây là lễ hội dân gian rất độc đáo và đặc sắc của vùng văn hóa xứ Đoài. Không chỉ có vậy, Hà Tây còn có các lễ hội nghệ thuật dân gian truyền thống nổi tiếng là lễ hội hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai và hò Cửa đình tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên.
Hội làng Đa Sỹ xã Kiến Hưng, TP. Hà Đông, diễn ra từ 12 - 15/1 âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng và cũng là ông tổ nghề rèn Hoàng Đôn Hoà, trong lễ hội có lễ dâng hương, múa rồng...
Lễ hội ở Hà Tây thường gắn liền với văn hóa làng xã nên còn gọi là hội làng, được tổ chức mang đậm tình nghĩa xóm làng, là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương. Hội thường tổ chức ở đình, cũng có khi ở chùa hay đền với sự tham gia hồ hởi của toàn dân trong làng. Đây là dịp những người con quê hương từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về nơi cội nguồn. Trong lễ hội, phần nghi lễ thường có rước, múa hát xênh tiền; cuốn hút du khách còn có những trò chơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, đánh đu, thổi cơm thi, kéo co, hội thả diều, hội chọi gà… hay thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như hát chèo, hát dô, múa rối... Hàng năm, số lượng du khách đến lễ hội chiếm tới trên 40% tổng số lượt khách đến Hà Tây.
Lựa chọn lễ hội truyền thống để xây dựng thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng là hướng đi đúng trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của Hà Tây. Để tạo ra sản phẩm độc đáo, chúng ta cần chú trọng những lễ hội được tổ chức ở những nơi có phong cảnh đẹp hay các điểm di tích lịch sử văn hóa điển hình như lễ hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội chùa Tây Phương, chùa Đậu, chùa Mía, chùa Trăm Gian, hội đền Và, hội đền Hát Môn… Trong đó, lễ hội chùa Hương được coi là sản phẩm du lịch văn hóa quan trọng để xây dựng, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch lễ hội trong toàn Tỉnh. Vừa qua, ngành Du lịch Hà Tây đã xây dựng chương trình du lịch xúc tiến quảng bá và có biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm hướng dẫn, thuyết minh du lịch tại các điểm du lịch lễ hội lớn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên cơ sở của các điểm này.
Lễ hội truyền thống đặt nền móng để phát triển thị trường du lịch Hà Tây với các sản phẩm tham quan, du khảo văn hóa, nghiên cứu các điểm di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần... Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội cần hạn chế sự lãng phí thời gian, tốn kém tiền của và sức người trong một số lễ hội; khắc phục các hiện tượng tiêu cực của lễ hội. Cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến các lễ hội truyền thống với những nét bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương trong Tỉnh. Liên kết các ngành, các địa phương để phát triển và tạo dựng hình ảnh Du lịch Hà Tây với sản phẩm lễ hội truyền thống trên thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Nếu thực hiện tốt, du lịch lễ hội văn hóa truyền thống sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng Du lịch Hà Tây thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Th.s. HOÀNG THỊ NGỌC LAN