
|
Ủy viên BCH TW Đảng - Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định: Hội thảo là cơ hội để các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ đi lại, ăn ở, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá và đầu tư thương mại… nhằm phát triển ngành Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình CNH - HĐH đất nước.
Thực trạng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch thời gian qua
Theo một số đại biểu tham dự Hội thảo, Việt Nam là quốc gia có nhiều giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc cả về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, lịch sử có khả năng khai thác để phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, sản phẩm và những loại hình du lịch dịch vụ của Du lịch Việt Nam vẫn còn đơn điệu, thiếu những sản phẩm du lịch, khu du lịch mang tầm vóc quốc gia để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch quốc tế như Bali của Indonesia hay Phuket của Thái Lan. Lý giải nguyên nhân này, PGS. TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng do trong quá trình phát triển sản phẩm, chúng ta vẫn thiếu những nghiên cứu cần thiết nhằm xác định tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện của tài nguyên du lịch. Nếu tính theo từng loại hình du lịch thì riêng đối với các sản phẩm du lịch sinh thái ở nước ta hiện nay mới chỉ mang "màu sắc" sinh thái, còn thiếu các nội dung về giáo dục môi trường, sự tham gia tích cực của cộng đồng. Mặt khác, còn có tình trạng trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp thay vì tiến hành khảo sát đã “sao chép” dẫn đến một thực tế của việc ra đời hàng loạt các khu nghỉ dưỡng ven biển, các công viên nước ở ven biển miền Trung; các khu du lịch miệt vườn tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nơi, nhiều điểm giống nhau. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của các khu, điểm du lịch hiện đại với chất lượng cao trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch nhưng để thực sự tạo ra một điểm nhấn của Du lịch Việt Nam thì vẫn chưa đủ tầm. Ngoài ra, ở một số địa phương, quá trình phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch đã có tác động tiêu cực đến giá trị của tài nguyên du lịch. Ví dụ như tại vịnh Hạ Long, môi trường vịnh đã bị tác động bởi sự phát triển của những bãi biển nhân tạo, bởi sự thu hẹp không gian vịnh do các công trình dịch vụ du lịch, bởi hệ thống chiếu sáng trong các hang động…
Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Du lịch Việt Nam
Một trong những mục tiêu mà ngành Du lịch đặt ra trong thời gian tới là tăng cường chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch để nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập sâu và toàn diện với thị trường du lịch khu vực và thế giới, đưa Du lịch Việt Nam phát triển với quy mô lớn, với tốc độ và hiệu quả cao hơn trên cơ sở phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, một số đại biểu nêu ý kiến: ngành Du lịch cần phải rà soát, xem xét lại các sản phẩm có nét đặc thù và bản sắc riêng của Việt Nam để tiếp tục giới thiệu cho du khách, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao hơn nữa quy mô và chất lượng đối với các chương trình tour này. Mặt khác, cần đẩy mạnh khảo sát các tuyến điểm du lịch, xây dựng các chương trình tour mới phát huy thế mạnh, tiềm năng cơ hội mới của đất nước. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành Thân Hải Thanh nêu ý kiến cần phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới như du lịch MICE, du lịch spa, shopping tour, du lịch chữa bệnh, du lịch đám cưới... để đón đầu xu hướng du lịch của khách trong và ngoài nước. TS. Nguyễn Văn Lưu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (TCDL) cho rằng ngành Du lịch cần nghiên cứu phát triển các điểm du lịch dọc hành lang các tuyến du lịch quốc gia, gắn kết tuyến du lịch quốc gia với tuyến du lịch quốc tế; tăng tốc phát triển du lịch biển đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc, du lịch miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Trung du và miền núi phía Bắc. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Trần Hùng Việt, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, ngành Du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật; khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ISO, TQM (quản trị chất lượng đồng bộ)… trong các hoạt động kinh doanh du lịch để từng bước chuẩn hóa chất lượng của các loại hình dịch vụ du lịch trên toàn quốc. Việc áp dụng các tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh không chỉ góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, tăng chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giảm các chất thải, tạo môi trường xanh - sạch theo đúng xu thế phát triển du lịch bền vững toàn cầu.
Vấn đề đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, việc nghiên cứu các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng sản phẩm cũng được nêu lên trong Hội thảo. Giám đốc Công ty Thương mại Đầu tư Khánh Hòa, Lê Thu Hà phát biểu đã đến lúc chúng ta không nên cấp phép xây dựng các khu, điểm du lịch nhỏ, lẻ, tràn lan tại các vùng, địa phương có nhiều tiềm năng du lịch mà thay vào đó là các dự án lớn, có chất lượng cao, mang đặc thù riêng của Việt Nam. Ngoài ra, nếu Nhà nước mạnh dạn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đấu thầu quản lý, kinh doanh các di tích lịch sử theo đúng tiêu chí, quy định sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn cách làm như hiện nay.

|
Toàn cảnh Hội thảo |
Con người – yếu tố quyết định tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao
Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo Ths. Vũ Quốc Trí - Đồng Giám đốc Dự án phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU) để phục vụ cho mục tiêu đến năm 2010, Du lịch Việt Nam đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch ước tính sẽ tăng từ 250.000 người năm 2005 lên 350.000 người vào năm 2010. Với lực lượng lao động hiện có, hàng năm Việt Nam cần phải đào tạo mới khoảng 25.000 người lao động. Với các hoạt động của mình, Dự án EU đang tích cực triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn cả nước và hình thành bộ tiêu chuẩn 13 kỹ năng nghề du lịch. Bên cạnh đó, yêu cầu về tự do hóa thương mại dịch vụ trong lĩnh vực du lịch của các nước ASEAN đòi hỏi Du lịch Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề tương đương với các nước trong khu vực nhằm thu được lợi ích lớn hơn từ việc dịch chuyển lao động tự do trong khu vực.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình du lịch là một yêu cầu cấp thiết không chỉ của riêng ngành Du lịch mà cần có sự quan tâm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp. Để làm được việc này, chúng ta cần nâng cao sức cạnh tranh trên 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Đối với công tác phát triển sản phẩm du lịch, cần chú trọng đến giá thành tạo ra sản phẩm, trình độ quản lý để tổ chức bán và điều hành sản phẩm đó. Các hãng lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận chuyển cần nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới như du lịch MICE, du lịch spa, shopping tour, du lịch cho người tàn tật, du lịch khám chữa bệnh, du lịch sinh thái, tour nghiên cứu khảo cổ, du lịch ẩm thực... Việc nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh và hội nhập cần trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị lữ hành, khách sạn, khu vui chơi giải trí… trên toàn quốc. Các địa phương cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng vùng, miền dựa trên những tiềm năng nổi trội của địa phương với biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó cần chú trọng đến mối liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương với nhau. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, do đó việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình du lịch rất cần thiết có sự quan tâm và hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các Bộ, Ngành và các cấp từ trung ương đến địa phương. Công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm Du lịch Việt Nam phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự tham gia của cơ quan quản lý du lịch TW, địa phương và các doanh nghiệp nhằm tạo dựng hình ảnh và thương hiệu Du lịch Việt Nam có sức hấp dẫn trên thị trường du lịch khu vực và thế giới./.
*PGS.TS. Đào Duy Quát - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW: Cần quán triệt quan điểm xã hội hóa trong phát triển du lịch để khai thác các nguồn lực khác nhau và tạo cơ chế hài hòa để vừa bảo vệ tốt vừa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia khai thác các di sản dưới sự quản lý của nhà nước.
*Ths. Hà Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Metropole: Xây dựng cho mình một thương hiệu riêng với những sản phẩm độc đáo không trộn lẫn có nghĩa là tạo được tính đặc thù, là tìm ra cách thức khiến khách hàng luôn phải nhớ đến mình.
* Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Yasaka - Sàigòn - Nha Trang Đống Lương Sơn: Ẩm thực Việt Nam không đơn thuần là món ăn thuần túy, mà nó dường như là kết tinh tất cả những gì tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam. Đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam qua hình ảnh "phở" có thể trở thành sản phẩm đặc trưng, xây dựng nên thương hiệu ẩm thực Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Du lịch Việt Nam. |
HẢI DƯƠNG