Đến tham dự hội thảo có đại diện của Đại học Greifswald (Đức), Đại học Ứng dụng Khoa học (Đức), Đại học Rikkyo (Nhật Bản), và các nhà khoa học đến từ các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đây là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận về các vấn đề cũng như những bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch bền vững trong khu vực Đông Nam Á; trong bối cảnh năm 2017 là năm được Liên Hợp quốc chọn là "Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển".

Theo GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, du lịch có bước phát triển mạnh mẽ từ sau khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới. Vấn đề phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của quốc gia, trong đó có ngành Du lịch. Vì vậy, thay vì chạy theo số lượng, du lịch cần chú trọng tới chất lượng, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự bình đẳng.
Nhiều vấn đề nổi cộm về phát triển du lịch bền vững đã được nêu ra và bàn bạc tại hội thảo như: du lịch bền vững trong đào tạo du lịch bậc đại học, sáng kiến về du lịch cộng đồng nông thôn, định hướng phát triển du lịch bền vững cho thương hiệu điểm đến Việt Nam, sự nổi lên của du khách Nga tại Nha Trang, Việt Nam... Đồng thời, các sáng kiến và một số thực hành du lịch bền vững tại nhiều điểm đến của Đông Nam Á như Batangas (Philippines), Kalaw (Myanmar), Luang Prabang (Lào), Hội An (Việt Nam)... cũng được trình bày và phân tích tại hội thảo. Các học giả đã chỉ ra vấn đề như: thách thức liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững; các di sản văn hóa dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu như Hội An, Huế, hay việc phát triển quá nhanh, quá tải tại các điểm du lịch tác động đến di sản và môi trường, để từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như đề xuất giải pháp cần thiết.

Tại hội thảo, TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: Dù còn nhiều thách thức nhưng nếu có chính sách và sự chung tay của tất cả các bên như: cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người dân... thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững. Riêng với cơ sở đào tạo, với vai trò đào tạo ra những người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, nhà trường phải lồng ghép các nguyên tắc về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm vào chương trình dạy học, nâng cao thái độ và nhận thức để sau khi tốt nghiệp, nguồn nhân lực này không chỉ thực hành tốt các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm và bền vững tại vị trí công tác mà còn đóng vai trò tuyên truyền cho người dân và du khách.
HN